Từ ngày 6/2, Quảng Ninh mới "nới lỏng" giao thông ra vào tỉnh
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến chiều tối ngày 8/2, Việt Nam đã có 1160 ca lây nhiễm trong nước, trong đó 467 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay. Nhìn lại 12 ngày sau khi Việt Nam có ca nhiễm mới trong cộng đồng, chúng ta thấy được điều gì?.
Tối ngày 27/1, tỉnh Hải Dương xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng (BN 1552) sau 55 ngày Covid-19 “vắng bóng” ở nước ta. Cùng thời điểm này ở Quảng Ninh xuất hiện thêm 1 ca dương tính mới (BN 1553).
Đến tối ngày 7/2, Hải Dương đã có 309 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Cụ thể: Chí Linh 230, TX Kinh Môn 42, Nam Sách 13, Cẩm Giàng 13, TP Hải Dương 5, Kim Thành 4 và Ninh Giang 2.
Trong khi đó, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có 47 ca dương tính, trong đó Hạ Long có 7, Đông Triều 21, Vân Đồn 18, Cẩm Phả 1.
Riêng tối ngày 7/2, cả nước có 16 ca mắc mới thì cả 16 ca đều ở Hải Dương, Quảng Ninh 0 ca.
Xét về góc độ phát tán dịch bệnh: Ở Quảng Ninh ngoại trừ Thủ đô Hà Nội có ca dương tính có liên quan đến BN 1553, còn lại không để phát tán, lây lan ra ngoài tỉnh khác.
Với Hải Dương, từ ổ dịch đầu tiên ở Chí Linh, tỉnh này lần lượt xuất hiện các ổ dịch khác như ở Cẩm Giàng, Kinh Môn. Sau đó, từ các ổ dịch trong tỉnh đã trực tiếp hoặc gián tiếp phát tán ra những ca, những ổ dịch mới ở tỉnh khác như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng cho đến Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang và thậm chí là cách địa phương này cả ngàn Km như Bình Dương, Gia Lai.
Tại sao, ở Quảng Ninh lại kiểm soát tốt dịch bệnh, trong khi Hải Dương lại lây lan đến chóng mặt? Hãy thử nhìn lại các giải pháp mà 2 địa phương này thực hiện sau khi có ca nhiễm đầu tiên.
Ngay trong đêm phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên (tối 27/1), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh để triển khai công tác phòng chống dịch.
Yêu cầu truy vết từ F1cho đến F4 để thực hiện cách ly và xét nghiệm, cho học sinh tại 5 điểm nóng nghỉ học, dừng hội nghị, hội thảo, sự kiện…
Đặc biệt, Quảng Ninh quyết định tạm dừng tất cả các phương tiện cơ giới chở người ra/vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh (trừ các trường hợp đặc biệt như: xe cứu thương; xe thực thi công vụ được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Kể từ 12h ngày 28/1, tạm dừng hoạt động, sau đó là đóng cửa có thời hạn Sân bay Vân Đồn. Từ 12h ngày 30/1 thực hiện giãn cách toàn bộ huyện Vân Đồn, phong tỏa thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Đến ngày 2/2, tiếp tục phong tỏa thêm 6 xã của huyện Vân Đồn…
Ở Hải Dương, đến tối ngày 28/1, ngành chức năng đã ghi nhận được 72 ca nhiễm mới, tăng 71 ca so với tối ngày 27/1.
Thế nhưng, trong thông báo về áp dụng phòng chống dịch, tỉnh này chỉ tạm dừng một số hoạt động GTVT từ 0h chiều ngày 29/1 như: Hoạt động vận tải hành khách bằng xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, bao gồm cả phương tiện của các tỉnh, thành phố khác (trừ xe chở công nhân, xe taxi hoạt động nội tỉnh và phải thực hiện biện pháp chống dịch Covid-19).
Các phương tiện đang trên hành trình nhanh chóng giải tỏa hành khách và đưa xe về nơi đỗ xe, thực hiện vệ sinh khử khuẩn phương tiện, theo dõi sức khỏe lái xe và nhân viên phục vụ trên xe… hoạt động của các bến xe, trạm dừng nghỉ trên QL18.
Giãn cách xã hội đối với các hoạt động: Xe chở công nhân, không được chở quá 50% số ghế và không quá 20 người/xe; Các bến phà và bến khách ngang sông không được chở quá 50% số chỗ và không quá 20 người/chuyến; người lái, nhân viên phục vụ và hành khách phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế 5K…
TP Chí Linh là tâm dịch nhưng mãi đến tận sau 1 tuần (2/2), Hải Dương mới có quyết định phong tỏa cách ly y tế đối với TP này. Tương tự, chiều ngày 1/2, phát hiện ca dương tính đầu tiên ở Cẩm Giàng, thì đến trưa ngày 5/2 con số này đã là 5, trong đó có 2 BN làm việc ở quán karaoke có lịch di chuyển dày đặc. Thế nhưng, mãi đến tối ngày 5/2, địa phương này mới bị phong tỏa.
Riêng tại TP Hải Dương, trong các ngày 2-3/2, lãnh đạo TP đi kiểm tra thì phát hiện tại phường Tứ Minh, Thanh Bình, Lê Thanh Nghị và xã Liên Hồng vẫn chưa lập chốt kiểm soát, đo thân nhiệt cho người dân hoặc lập chốt kiểm soát không bảo đảm quy định tại một số chợ dân sinh, chợ hoa.
Trong các chợ dân sinh vẫn còn phục vụ ăn uống tại chỗ, trái với quy định phòng chống dịch của thành phố.
Lãnh đạo TP Hải Dương phê bình 3 bí thư Đảng ủy 3 phường nêu trên và nhắc nhở lãnh đạo xã Liên Hồng về việc chưa làm hết trách nhiệm, lơ là trong công tác chống dịch…
Rõ ràng, cùng một điểm xuất phát có dịch như nhau nhưng tỉnh nào làm quyết liệt thì hiệu quả rõ rệt. Đây là bài học rất đáng suy ngẫm cho các địa phương, đặc biệt Tết Nguyên đán cận kề sắp đến nhưng nguy cơ dịch Covid-19 vẫn hiện hữu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận