Quân sự

Thấy gì từ chi tiêu quốc phòng thế giới tăng kỷ lục bất chấp Covid-19?

26/02/2021, 14:24

Năm 2020, mức chi tiêu quốc phòng thế giới vẫn tăng cao dù đây là thời điểm nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19.

img

Trung Quốc vẫn giữ chi tiêu quốc phòng ở mức cao dù dịch bệnh Covid-19

Chi tiêu quốc phòng tăng 3,9%

Theo báo cáo mang tên “Cán cân quân sự” của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2020 đã đạt mức kỷ lục dù các nước đều phàn nàn về khó khăn vì dịch bệnh.

Cụ thể, mức chi tiêu quốc phòng năm qua đạt 1.800 tỉ USD, tăng 3,9% so với năm 2019 đồng nghĩa các nước vẫn ưu tiên chi bộn tiền cho đảm bảo an ninh quốc gia dù nền kinh tế toàn cầu suy giảm vì dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch là Mỹ tiếp tục giữ mức chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, với ngân sách 738 tỉ USD, chiếm 40% trong tổng mức chi 1.800 tỉ USD của toàn cầu.

Tại Châu Âu, mức chi tiêu năm 2020 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng được duy trì từ năm 2014, nhích khoảng 2%.

Trong khi đó, Trung Quốc chi 193,3 tỉ USD, chiếm 10,6% ngân sách toàn cầu và là tác nhân chính đưa tăng trưởng chi tiêu quốc phòng Châu Á lên cao, theo IISS.

Viện Nghiên cứu này chỉ ra: Dù một số quốc gia trong khu vực phải điều chỉnh lại chi tiêu quốc phòng, giành ngân sách cho cứu trợ Covid-19 và kích thích kinh tế nhưng tổng ngân sách dành cho quốc phòng trong khu vực Châu Á vẫn có xu hướng tăng.

Trung Quốc tăng chi tiêu, phục vụ tham vọng chủ quyền

Đáng chú ý, lĩnh vực mà Bắc Kinh ưu tiên dành ngân sách đó là Hải quân, tạo ra sự phát triển mạnh cho lực lượng này, góp phần phục vụ những tuyên bố chủ quyền đầy tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm ngoái thừa nhận, quân đội Trung Quốc (PLA) đã vượt Mỹ trên rất nhiều lĩnh vực như phát triển tên lửa, số lượng tàu chiến, hệ thống phòng không.

Đây là những nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng mà chính quyền Trung Quốc đề ra đó là "phát triển quân sự tương đương thậm chí có thể vượt trội quân đội Mỹ hoặc bất cứ quốc gia nào mà Trung Quốc coi là mối đe dọa, tính đến giữa thế kỷ này (tức là vào năm 2049)", theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Báo cáo 173 trang còn chỉ ra, "để đạt được mục tiêu đó, 2 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã huy động các nguồn lực, công nghệ và ý chí chính trị nhằm tăng cường và hiện đại hóa PLA trên gần như mọi mặt”.

Kết quả, hiện nay, Trung Quốc đã gần như dẫn trước Mỹ trong những lĩnh vực cần thiết cho các mục tiêu tăng trưởng từ quốc phòng cho đến mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu.

Báo cáo nhấn mạnh: Bắc Kinh đã sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với tổng lực lượng chiến đấu xấp xỉ 350 chiếc tàu nổ và tàu ngầm trong đó có hơn 130 tàu chiến cơ lớn.

Trong khi đó, lực lượng chiến đấu của Mỹ tính đến thời điểm thực hiện báo cáo chỉ có 295 tàu.

Hiện chưa có báo cáo chính thức về số lượng tàu chiến Trung Quốc đang tiếp tục được đóng nhưng Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ ước tính, Bắc Kinh sẽ đóng thêm 65 tàu trong thập kỷ tới bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm và tàu khu trục.

Trong một phân tích khác, nhiều chuyên gia nhận định, qua việc củng cố năng lực quốc phòng đặc biệt là hải quân, Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ hung hăng hơn trên khắp các mặt trận, nhất là "điểm nóng" Biển Đông.

Thực tế từ năm 2020 chỉ ra, Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện đáng kể tại Biển Đông và có thể tận dụng ưu thế này để ép buộc các nước nhỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.