Thời sự Quốc tế

Thấy gì từ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc?

Hơn 1 tuần nữa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ngày 5/9, Bộ Ngoại giao Kazakhstan thông báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm quốc gia Trung Á này vào ngày 14/9 tới nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược toàn diện và hợp tác nhân đạo, văn hóa, kinh tế, thương mại, chính trị hai nước.

Theo thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kazakhstan - Aibek Smadiyarov, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đồng thời, hai bên sẽ ký kết một số văn kiện song phương.

img

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 2. Ảnh - Xinhua

Thông tin ông Tập Cận Bình tới thăm Kazakhstan khá bất ngờ vì trước đó truyền thông địa phương cho rằng, ông Tập sẽ dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng để tới Saudi Arabia. Kazakhstan có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, cung cấp khoáng sản, kim loại và năng lượng cho nước láng giềng, và đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu. Chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận về chuyến thăm này.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, vì chính sách Zero Covid nghiêm ngặt nên Chủ tịch Trung Quốc đã hạn chế các hoạt động đi lại công du trong và ngoài nước và Chủ tịch Tập cùng nhiều quan chức cấp cao khác đã không rời khỏi Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Trong số 25 thành viên Bộ Chính trị, chỉ có duy nhất Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì thường xuyên ra nước ngoài.

Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng thông báo Chủ tịch Trung Quốc sẽ tới Bali dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 nhưng Bắc Kinh chưa xác nhận thông tin này.

Ông Temur Umarov, một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho biết việc ông Tập chọn khu vực Trung Á làm chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là nhằm nhấn mạnh mong muốn của Bắc Kinh để mở rộng ảnh hưởng tại đây.

“Năm sau, sẽ là kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường nên tôi nghĩ ngay lúc này Trung Á sẽ là nơi có thể thể hiện vị thế của Trung Quốc trên thế giới” - ông Umarov nói.

Tháng 7 vừa rồi, sau 20 năm đàm phán, Bắc Kinh đã đồng ý với Kyrgyzstan và Uzbekistan để bắt đầu xây dựng đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan vào năm tới. Qua đó, Trung Quốc sẽ có thêm một tuyến đường sắt nữa vào Trung Á ngoài các tuyến hiện có với Kazakhstan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.