|
Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã phát đi thông cáo báo chí để giải thích các nội dung về gói thầu 128.000 công tơ 1 pha 1 giá công nghệ RF và 500 DCU điện tử. Tuy nhiên, nhiều lập luận của chủ đầu tư đã gây ra phản ứng của giới chuyên gia…
Thông cáo báo chí phát ra từ EVN NPC cho thấy, yêu cầu hàng hóa trong gói thầu “xây dựng hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa và cung cấp công tơ điện tử 1 pha 1 giá có tính năng đo xa công nghệ RF trong hệ thống”. Theo đó, nhà thầu phải đề xuất cung cấp giải pháp công nghệ của hệ thống AMR theo công nghệ RF; mô tả hoạt động của hệ thống và tính năng của các phần tử trong hệ thống cùng với cung cấp công tơ điện tử.”
Như vậy, ngay trong văn bản trả lời của mình, NPC đã công nhận giải pháp công nghệ thu thập số liệu công tơ từ xa áp dụng cho gói thầu này là công nghệ RF.
Cũng theo thông cáo báo chí, EVN NPC cho biết hồ sơ mời thầu đã xác định rõ hàng hóa của gói thầu chính là cả hệ thống tự động thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa, mà trong đó công tơ điện tử chỉ là một phần trong phạm vi cung cấp hàng hóa của gói thầu. Với những yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, chỉ những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn toàn diện đối với hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa AMR như phần mềm, thiết bị truyền thông và công tơ điện tử mới đáp ứng được.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khi được hỏi đều cho biết EVN NPC đã lập lờ khái niệm “hệ thống tự động thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa”, bởi theo như phần 1.1 trong hồ sơ mời thầu mà NPC đã thuyết minh thì yêu cầu chính xác phải là “hệ thống tự động thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa theo công nghệ RF”. Thực chất có nhiều công nghệ tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa mà các giải pháp công nghệ này lại hoàn toàn khác biệt nhau về bản chất, về đối tượng công tơ được áp dụng. Việc NPC khẳng định “với những yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, chỉ những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn toàn diện đối với hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa AMR như phần mềm, thiết bị truyền thông và công tơ điện tử mới đáp ứng được” là bao biện, bởi vì như đã nói ở trên, phải là nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đối với hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa AMR công nghệ RF, chứ không thể có kinh nghiệm đối với hệ thống AMR nói chung được.
Theo văn bản số 4067 do chính NPC ban hành ngày 4/10/2016 về việc lập chương trình phát triển công tơ điện tử và thu thập số liệu công tơ từ xa giai đoạn 2016-2020, mục 4, khoản b quy định các giải pháp công nghệ thu thập dữ liệu cũng quy định giải pháp thu thập dữ liệu công tơ bằng bộ tập trung (DCU) sử dụng công nghệ truyền dẫn thông tin qua mạng điện hạ thế (PLC) hoặc mạng vô tuyến hình lưới (RF-Mesh), sau đó truyền dữ liệu từ DCU về trung tâm qua mạng thông tin di động GPRS/3G. Áp dụng đối với các công tơ bán điện cho khách hàng sau trạm biến áp công cộng mua điện 1 giá (tức các khách hàng sinh hoạt, chủ yếu sử dụng công tơ điện tử 1 pha 1 giá).
Với tính chất như vậy nên bắt buộc công tơ điện tử 1 pha có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF/PLC phải được thiết kế và lập trình chuẩn trên Firmware từ ban đầu, việc lập trình này cần kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn cao của đội ngũ kỹ sư lập trình và kỹ sư điện, điện tử, tự động hóa và công nghệ của nhà sản xuất, đảm bảo 2 cấu phần đo đếm và truyền thông (Module) được tích hợp đồng bộ trong công tơ.
Tùy theo từng nhà sản xuất và công nghệ, Module truyền thông có thể là 1 bộ phận của bản mạch điện tử (Firmware), hoặc là 1 phần rời nhưng tích hợp chung vào phần Firmware của công tơ. Tuy nhiên, dù Module liền hay rời cũng phải bảo đảm việc tương thích và đồng bộ giữa 2 cấu phần đo đếm và truyền thông, đảm bảo công tơ vừa phải đo đếm được chính xác điện năng tiêu thụ (đây là chức năng chính của bất kỳ loại công tơ nào), vừa phải truyền được dữ liệu đo đếm về trung tâm chuẩn xác, nhanh chóng, không bỏ sót dữ liệu hoặc đọc sai dữ liệu.
Với tính chất của gói thầu là “mua sắm công tơ điện tử 1 pha 1 giá có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF và hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ AMR” đã xác định rõ chủng loại công tơ là 1 pha, công nghệ RF, đòi hỏi nhà thầu phải có năng lực và kinh nghiệm sản xuất và vận hành chủng loại công tơ 1 pha công nghệ RF, chứ không thể “đánh bùn sang ao” kiểu “hàng hóa là công tơ điện tử hoặc hệ thống thu thập số liệu công tơ” như hồ sơ mời thầu của NPC. Điều này có dấu hiệu trái với quy định của thông tư 05 của Bộ KHĐT. Nếu theo điều khoản này của HSMT, sẽ xảy ra các trường hợp nhà thầu không đủ năng lực, hàng hóa không đạt yêu cầu nhưng vẫn được chấp nhận như nhà sản xuất chỉ có kinh nghiệm sản xuất công tơ điện tử đơn giản không có chức năng đo xa, chưa từng hoặc có rất ít kinh nghiệm sản xuất công tơ điện tử có tính năng đo xa; nhà sản xuất chỉ chuyên về sản xuất công tơ điện tử đo xa công nghệ PLC, không có hoặc rất ít kinh nghiệm sản xuất công tơ điện tử đo xa RF; nhà thầu chưa từng có kinh nghiệm sản xuất công tơ điện tử, mà chỉ có kinh nghiệm triển khai hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ.
Nếu đưa ra tiêu chí như vậy, doanh nghiệp cũng rất dễ trúng thầu khi đơn vị sản xuất có kinh nghiệm triển khai hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ nhưng với giải pháp khác hẳn giải pháp HSMT yêu cầu, bởi chỉ cần có kinh nghiệm triển khai giải pháp thu thập dữ liệu công tơ 3 pha 3 giá thông qua gắn modem qua cổng thông tin RS232/485 vào công tơ hiện hữu của ngành điện đang treo trên lưới, trong khi yêu cầu của HSMT là cung cấp công tơ điện tử 1 pha 1 giá có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF, đòi hỏi công tơ phải được tích hợp ngay tính năng đo đếm và tính năng truyền thông vào ngay trong công tơ. Giải pháp thu thập dữ liệu công tơ 3 pha thông qua gắn modem vào công tơ không thể áp dụng cho gói thầu này vì loại công tơ điện tử 1 pha không có cổng giao tiếp thông tin RS232/485. Ngoài ra, không thể loại trừ nhà thầu có kinh nghiệm triển khai hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ với giải pháp công nghệ RF như yêu cầu của HSMT, nhưng lại mua công tơ điện tử từ nhà sản xuất kém chất lượng, không có năng lực sản xuất quy mô lớn.
Nhận định về giải thích “các hợp đồng tương tự” mà liên danh nhà thầu IFC-TSI-ELCOM do NPC cung cấp để khẳng định nhà thầu liên danh IFC-TSI-ELCOM hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, trong cả 3 hợp đồng này chỉ là cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu công tơ điện tử 3 pha, giải pháp công nghệ là gắn modem kèm sim 3G/GPRS vào từng công tơ.Theo các hợp đồng này, việc cung cấp công tơ là của ngành điện, còn nhà thầu không cung cấp công tơ, chỉ cung cấp các modem kèm sim 3G/GPRS. Đơn cử như hợp đồng số 3189 của IFC (bên B) ngày 24/7/2012, trị giá 116,42 tỷ đồng, ký với Tổng công ty điện lực miền Trung. Với hợp đồng này, bên B có nghĩa vụ lắp đặt Modem GPRS/3G, đầu tư cáp nối, đầu tư Sim…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận