Bamboo Airways sẽ tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch, bao gồm các địa phương có dự án của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… |
Nhắm đến sân bay địa phương
Bất chấp những nghi ngờ về tính hiện thực của thông tin “đại gia bất động sản lấn sân kinh doanh hàng không”, hôm qua (2/6), FLC bắt đầu hé lộ thêm những thông tin ban đầu về định hướng kinh doanh của Bamboo Airways.
Tái khẳng định thông tin FLC có nghị quyết thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt do Tập đoàn này sở hữu 100% vốn điều lệ, ông Đặng Tất Thắng - Phó tổng giám đốc FLC kiêm Tổng giám đốc điều hành Hàng không Tre Việt cho biết sau khi được cấp phép thành lập doanh nghiệp (DN), Tre Việt sẽ thành lập hãng hàng không Bamboo Airways cùng các thủ tục xin phép bay.
“Dự kiến trong tháng 6/2017, FLC sẽ chính thức nộp hồ sơ đến Cục Hàng không Việt Nam. Kỳ vọng cuối năm 2018 sẽ đi vào khai thác thương mại” – ông Thắng nói và cho biết thêm FLC đã và đang làm việc với một loạt đối tác về việc mua sắm trang thiết bị và đã đi đến giai đoạn kí biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay.
Cũng theo ông Thắng, quyết định “lấn sân” sang lĩnh vực hàng không của FLC xuất phát từ việc phân tích tình hình thực tiễn khai thác 6 khu quần thể nghỉ dưỡng của Tập đoàn trên toàn quốc và thực trạng thị trường hàng không Việt Nam.
Một sự đặc biệt nữa, theo ông Thắng là Bamboo Airways là không tập trung vào các thành phố lớn đang quá tải hạ tầng hàng không. Thay vào đó, hãng này sẽ tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch, bao gồm các địa phương có dự án của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang…
“Nhiều sự kiện, giải đấu lớn tại FLC phải xin các hãng hàng không tăng chuyến. Không chỉ tần suất thấp, một số đường bay còn khởi hành vào giờ không thuận lợi, khách bay từ Hà Nội đi Bình Đình phải dậy từ 4 giờ sáng ra sân bay để kịp khởi hành lúc 6 giờ 40 phút. Giờ bay không hợp lý, chuyến bay ít sẽ mất khách, khiến các tỉnh mất đi doanh thu lớn từ du lịch” – ông Thắng nói thêm.
Với định hướng thị trường như trên, những người sáng lập Bamboo Airways kỳ vọng sẽ “đánh thức” tiềm năng của các sân bay địa phương khi tạo ra mạng bay kết nối các sân bay nhỏ hiện chưa hoạt động hết công suất. Từ đó góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của các sân bay địa phương, tránh được sự lãng phí rất lớn về hạ tầng sân bay vì ngoại trừ sân bay Hà Nội và Tân Sơn Nhất, 20 sân bay còn lại trong cả nước đều ở trong tình trạng thua lỗ vì công suất hoạt động thấp.
Nhiều thách thức
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng việc FLC hướng đến việc mở đường bay thẳng từ nước ngoài hoặc trong nước đến các điểm du lịch mà Tập đoàn đã có khu quần thể nghỉ dưỡng là hoàn toàn hợp lý.
2 sân bay mà FLC có khu nghỉ dưỡng là Thọ Xuân (Thanh Hoá) và Phù Cát (Quy Nhơn) không phải sân bay quốc tế nên không thể bay thẳng từ nước ngoài đến. Như vậy, khả năng tiết kiệm thời gian và giảm điểm trung chuyển cho khách quốc tế sẽ không thể như mong muốn |
Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích, sẽ thấy rõ kế hoạch bay của Hàng không Tre Việt còn khá nhiều bất cập và cần tiếp tục điều chỉnh.
“FLC hiện đang có khu nghỉ dưỡng tại Thanh Hoá và Quy Nhơn. Tuy nhiên, 2 sân bay tại đây là Thanh Hoá, Quy Nhơn lại không phải sân bay quốc tế nên không thể bay thẳng từ nước ngoài đến. Như vậy, khả năng tiết kiệm thời gian và giảm điểm trung chuyển cho khách quốc tế sẽ không thể như mong muốn, trừ trường hợp các sân bay này được công nhận tiêu chuẩn quốc tế” – vị chuyên gia này nói và phân tích thêm: Một vấn đề khác mà Bamboo Airways sẽ phải đối mặt là dung lượng thị trường tại các địa điểm mà FLC có khu nghỉ dưỡng không quá lớn, khó có thể bay hàng ngày. Khi đó, hãng này sẽ phải tính toán rất kỹ việc kết nối trên nhiều tuyến khác để nâng cao hiệu quả khai thác của máy bay. Thống kê cho thấy, trung bình một máy bay thương mại của hãng giá rẻ mỗi ngày phải vận hành 10-12 giờ, hãng truyền thống khai thác từ 8-10 giờ (do thời gian quay đầu tại các sân bay lâu hơn) thì mới hiệu quả.
“Nếu chỉ đơn thuần về tài chính, sẽ có nhiều người có thể bỏ ra vài trăm tỷ kinh doanh hàng không. Thị trường cũng đang rất thuận lợi khi tăng trưởng hàng không liên tục ở mức 2 con số trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để vận hành một hãng hàng không, còn rất nhiều vấn đề phải đau đầu, đặc biệt là việc phải đáp ứng các yếu tố về kỹ thuật, an toàn, an ninh, phải tổ chức được bộ máy để vận hành quy trình này” – vị này nói thêm.
Cuối cùng, nhân sự cũng sẽ là bài toàn khó với Bamboo Airways khi bấy lâu nay, ngay cả những hãng hàng không lâu đời cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự kỹ thuật cao. Thực tế hiện nay, Vietjet Air và Jetstar Pacific đang phải sử dụng 80-90% phi công là người nước ngoài với mức lương phải trả cao hơn phi công nội rất nhiều.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận