Thời sự Quốc tế

Thấy gì từ lời chào "bạn cũ" và thông cáo sau hội nghị Mỹ-Trung?

17/11/2021, 06:29

Cuộc gặp cởi mở và thân tình giữa hai nhà lãnh đạo đã xua tan bớt những căng thẳng giữa hai nước nhưng tất cả mới dừng ở đó và chưa có đột phá.

Cùng một nội dung, hai thông báo khác nhau sau cuộc họp

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung ngày 16/11 đã diễn ra với thời lượng dài hiếm thấy - gần 3,5 tiếng. Thời điểm đó, tại Bắc Kinh là giữa trưa 16/11, còn ở Mỹ là gần nửa đêm 15/11.

Theo thông báo riêng về kết quả hội nghị, dù cùng một nội dung nhưng mỗi nước lại nêu bật những luận điểm khác nhau, cho thấy rõ hai bên vẫn có rất nhiều bất đồng sâu sắc và ít có điểm chung.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra quan ngại về vấn đề lạm dụng nhân quyền và những chính sách kinh tế, thương mại mà Washington cho là bất công từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục chỉ trích việc Mỹ hậu thuẫn cho Đài Loan là “đùa với lửa” và cảnh báo cách Mỹ chia thế giới thành các liên minh hay các khối, kết hợp với các nước láng giềng để thách thức Trung Quốc, sẽ gây ra thảm họa nghiêm trọng.

img

Hai lãnh đạo Mỹ - Trung tươi cười, vẫy tay chào nhau ngay đầu hội nghị thượng đỉnh Ảnh: Global Times

Lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi Mỹ đừng thử thách quyết tâm của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan. “Chúng tôi kiên nhẫn và sẵn sàng nỗ lực hết sức vì triển vọng thống nhất hòa bình với sự chân thành cao nhất.

Nhưng Trung Quốc cũng sẽ thực hiện những biện pháp kiên quyết nếu các lực lượng đòi độc lập tại Đài Loan khiêu khích, thúc ép và vượt lằn ranh đỏ”, ông Tập nói.

Bằng luận điệu cứng rắn, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ trích các chính trị gia tại Mỹ đã tìm cách sử dụng tình hình Đài Loan làm đòn bẩy với Bắc Kinh và coi đây là hành vi “đùa với lửa” đầy nguy hiểm. “Nếu chơi với lửa, ắt có ngày bị bỏng!”, ông Tập nhấn mạnh.

Thị trường chứng khoán phản ứng trái chiều trong ngày họp thượng đỉnh

Các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu diễn biến trái chiều trong ngày giao dịch 16/11 trong bối cảnh lạm phát vẫn là trọng tâm quan sát của giới đầu tư, cùng với đó là những dự báo về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung.

Cả 3 chỉ số chính trên Phố Wall đều không biến động nhiều và chỉ dao động quanh các mức cao kỷ lục từng ghi nhận.

Tại châu Âu, các chỉ số STOXX 600, DAX và Paris CAC 40 đều mở đầu ngày giao dịch với các mốc cao lịch sử, tăng trong khoảng 0,2 - 0,4%.

Trong khi đó, chứng khoán thị trường châu Á có những diễn biến rõ rệt hơn. Chứng khoán Hong Kong dẫn đầu tại châu Á về mức tăng điểm (1,3%), trong khi các thị trường Tokyo (Nhật Bản), Singapore, Đài Bắc (Trung Quốc), Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) cũng tăng nhưng không đáng kể và chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Mumbai (Ấn Độ) và Wellington (New Zealand) thì giảm điểm.

Trước cuộc họp, quan chức Nhà Trắng cũng không đặt kỳ vọng sau cuộc họp hai lãnh đạo có thể đạt được những bước tiến đột phá với những thỏa thuận/sáng kiến vững chắc, hoặc chỉ đơn giản là đưa ra tuyên bố chung.

Do đó, kết quả cuộc họp như vậy không có gì là đáng thất vọng. Hai nhà lãnh đạo đã cho thấy họ sẵn sàng quản lý khác biệt đôi bên để tránh xung đột.

Riêng vấn đề này đã là một điểm nhấn quan trọng, giúp hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng bao trùm quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua.

“Có lẽ chúng tôi cần phải xây dựng một số rào chắn giữa hai nước”, ông Biden nói. Đáp lại, Chủ tịch Tập cho hay: “Chúng ta cùng có trách nhiệm với thế giới và người dân hai nước”.

Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh hai nước cần duy trì đường dây liên lạc mở khi còn nhiều vấn đề bất đồng sâu sắc giữa đôi bên như tương lai của Đài Loan, quân sự hóa trên Biển Đông…

Với Trung Quốc, riêng cuộc họp đã là chiến thắng

Từ quan điểm của Trung Quốc, không cần phải đạt được bước tiến gì lớn lao, chỉ riêng cuộc đối thoại trực tuyến giữa nguyên thủ hai nước đã là minh chứng cho chiến lược cải thiện quan hệ với Washington mà Bắc Kinh chờ đợi bấy lâu, theo New York Times.

Sau nhiều năm sóng gió dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng, khi ông Biden nhậm chức, hai bên có thể tái lập lại quan hệ. Nhưng sau 10 tháng, mọi diễn biến lại đi chệch hướng khiến giới chức Bắc Kinh choáng ngợp rồi chuyển sang tức giận.

Ngay trong bài phát biểu tại Bắc Kinh hồi tháng 7 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo: “Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép các lực lượng nước ngoài đe dọa, đàn áp và nô dịch chúng tôi. Bất cứ ai nuôi ảo tưởng đó sẽ bị sứt đầu mẻ trán, đổ máu trên Vạn lý trường thành được gây dựng bằng máu thịt của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc”.

Trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), giới phân tích nước này đánh giá, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã cho thấy ông Biden rất tích cực tìm cách để củng cố quan hệ với Bắc Kinh nhằm giảm bớt những khó khăn về kinh tế mà Washington đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề lạm phát đang khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới trật bánh, chính quyền ông Biden bị giảm tỷ lệ ủng hộ.

Còn tờ New York Times bình luận, tuy Trung Quốc vẫn cảnh báo Mỹ về “ranh giới đỏ”, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan nhưng tông giọng đã dịu bớt.

Theo tờ báo Mỹ, Bắc Kinh làm điều này cũng là vì chính lợi ích của họ trước thềm Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh sắp diễn ra vào tháng 2.

“Tôi nghĩ cả hai nước đều muốn giảm nhiệt căng thẳng. Cả hai đều nhận ra rằng, ranh giới giữa sự gia tăng cạnh tranh và đối đầu không giới hạn là rất mỏng manh”, bà Ali Wyne, nhà phân tích về quan hệ Mỹ - Trung tại tổ chức Eurasia Group cho biết.

“Bạn cũ” không có nghĩa là bạn thực sự

Ngay khi bắt đầu Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vẫy tay chào và gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden là “bạn cũ”, vì hai ông từng gặp nhau trực tiếp hồi tháng 8/2011, lúc đó ông Biden đang là Phó Tổng thống Mỹ.

Lời chào “bạn cũ” ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới truyền thông hai nước và thế giới, đồng thời tạo cảm giác thân thiện ngay đầu cuộc họp.

Theo các chuyên gia phân tích, lời chào này có lẽ là cách để lãnh đạo Trung Quốc tạo điểm nhấn trong cuộc họp và thể hiện thiện chí bất kể quan hệ căng thẳng giữa hai nước hiện nay.

Nhưng chắc ông Tập vẫn chưa quên cách đây 5 tháng, ông Biden từng khẳng định ông biết rõ về lãnh đạoTrung Quốc nhưng không phải là bạn, chỉ là mối quan hệ làm việc đơn thuần.

Theo ông Shi Yinhong, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin: Khi người Trung Quốc chúng tôi gọi ai đó là “bạn cũ” thì có nghĩa là đã biết người đó từ lâu. “Bạn cũ” không nhất thiết phải có nghĩa là bạn thực sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.