Mỗi người một kiểu
Đã đi tới tập 19, Hồi ký Lệ Thủy của NSND Lệ Thủy phát trên YouTube thu hút người xem khá lớn khi kể cuộc sống cũng như con đường sự nghiệp cải lương của nghệ sỹ này. Đó là thời thơ ấu cơ cực giữa Sài Gòn, là những vất vả gian nan khi mới bước chân vào nghề hát, hay bước ngoặt khiến Lệ Thủy vụt sáng trở thành ngôi sao đĩa hát khi mới 14 tuổi…
Hồi ký của NSND Lệ Thủy được làm theo phong cách talkshow. Con trai bà là nghệ sĩ Dương Đình Trí làm nhà sản xuất, lên kịch bản chương trình kiêm dẫn chuyện cùng các nghệ sĩ Ái Châu, Nam Cường đóng vai trò khơi gợi để nghệ sĩ kể về cuộc đời mình.
Ở những tập nói về cột mốc sự nghiệp còn có khách mời là những tên tuổi gắn liền với sự nghiệp của bà như nghệ sĩ Chí Tâm, Thanh Kim Huệ, Minh Vương... Sắp tới, Hồi ký Lệ Thủy sẽ phát hành thông qua USB.
Đây có thể coi là hồi ký kỹ thuật số đầu tiên ở Việt Nam và thời gian qua, nhiều nghệ sĩ cũng thực hiện cách thức này.
Ca sĩ Hương Lan chuẩn bị ra mắt hồi ký video phát trên YouTube. Nghệ sĩ Hồng Loan - cháu gái nghệ sĩ Thanh Nga đang phát sóng đến tập 4 Hồi ký Thanh Minh Thanh Nga, nói về cuộc đời của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga cùng gánh hát.
Cùng phát hành dưới dạng video nhưng Hồi ký Thanh Minh Thanh Nga có cách làm đơn giản hơn Hồi ký Lệ Thủy. Ở đó, Hồng Loan đóng vai trò kể chuyện. Các câu chuyện do bà Lư Ánh Đào, em gái nghệ sĩ Bảo Quốc biên soạn.
Không làm hồi ký video, NSND Kim Cương lại thực hiện phiên bản sách nói cho hồi ký “Sống cho người, sống cho mình”. Hồi ký này từng được ra mắt phiên bản sách vào năm 2016.
Được biết, trong bản sách nói, nữ nghệ sĩ sẽ thêm thắt và tô đậm một số chương trong hồi ký của mình. Theo nghệ sĩ Đạt Phi - người đảm nhận thực hiện sách nói cho nghệ sĩ Kim Cương, bản audio này khác các sách nói khác ở chỗ không đơn thuần là đọc lại cuốn sách mà các câu chuyện sẽ được kể sống động qua hình thức lồng tiếng. Sẽ có âm thanh, tiếng động, có nghệ sĩ tham gia lồng tiếng, diễn xuất như nghệ sĩ Đạt Phi, Thành Lộc, Hữu Châu, Kim Xuân và người dẫn chuyện là NSND Kim Cương.
Hồi ký là thể loại đòi hỏi sự thật nên khó tránh việc đụng chạm tới người khác. Trên thực tế, nhiều cuốn hồi ký khi ra mắt đã gây tranh cãi như tự truyện “Lê Vân: Yêu và sống”, “Thương Tín - Một đời giông bão”, “Lê Công Vinh - Phút 89”... Có hồi ký bị chỉ trích vì các nhân vật liên quan cho rằng câu chuyện không đúng sự thật, có cuốn lại bị lên án vì nói sự thật trần trụi quá.
Tuy nhiên, khác với phiên bản sách khi nhà xuất bản đóng vai trò kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành, hồi ký online lại tiện hơn. Người ra hồi ký chỉ việc đăng tải lên mạng, chỉ chịu sự kiểm duyệt của YouTube và không cần giấy phép lưu hành. Nhưng câu hỏi đặt ra, ai sẽ đảm bảo tính chính xác trong nội dung câu chuyện của các nghệ sĩ?
Theo nghệ sĩ Dương Đình Trí, đối với hồi ký, dù phiên bản sách hay online thì chính nghệ sĩ là người tự kiểm duyệt nội dung. Họ phải chọn lọc sự việc, cân nhắc chuyện gì nên hay không nên kể.
Có lẽ vì thế, Hồi ký Lệ Thủy đã ra 19 tập nhưng chưa chuyện nào gây tranh cãi. Bà chỉ kể về cuộc đời mình và khéo léo kể điều tích cực nếu câu chuyện liên quan tới người khác. NSND Kim Cương và Hồng Loan cũng cho biết, họ đều phải chọn lọc thông tin để đưa tới công chúng, tránh gây ảnh hưởng tới người khác.
Tiện lợi nhưng khó kinh doanh
Trong thời kỳ công nghệ, phát hành hồi ký online có nhiều thuận lợi hơn so với hồi ký sách. Nghệ sĩ có thể tiếp cận đến đông đảo khán giả ở các vùng miền, tự do sử dụng nhiều phương pháp để thu hút khán giả và cũng làm cho hồi ký của mình sống động hơn. Thay vì những con chữ vô hồn, khán giả được chứng kiến “người thật việc thật”, được nghe chính nghệ sĩ kể lại cuộc đời của họ hay tiếp cận được với những tư liệu hiếm mà chỉ nghệ sĩ mới có và lưu giữ.
Chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý quản lý xuất bản hồi ký online hay phiên bản USB. Do đó, mọi vấn đề sẽ chiếu theo các quy định liên quan như Luật dân sự và Luật an ninh mạng. Nếu hồi ký trên mạng gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác, thông tin sai lệch sẽ bị xử lý theo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thông tin và an ninh mạng. Nếu người nào đó bị bôi nhọ hay chịu thiệt hại, có thể khởi kiện để yêu cầu chấm dứt các hành vi vi phạm.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty luật SBLAW
Là thể loại được nhiều người quan tâm vì ở đó tiết lộ những “thâm cung bí sử”, góc khuất trong cuộc đời nên nghệ sĩ hay những người nổi tiếng hoàn toàn có khả năng kinh doanh tự truyện, hồi ký. Nhưng khi phát hành online, khả năng kiếm lời lại khó nói trước.
NSND Kim Cương tâm sự, bà chỉ muốn khán giả ở nhiều vùng khác nhau có thể tiếp cận được hồi ký của mình nên mới làm sách nói.
Qua đó cũng lưu giữ tài liệu của bản thân, làm một kỷ niệm để đời. Bà chỉ biết làm hết sức mình chứ chưa biết cách làm để thu lại số tiền bỏ ra. Có một số nơi ngỏ ý mua lại nhưng bà chưa có ý định bán. “Đây có lẽ là cố gắng cuối cùng của tôi với cuộc đời sân khấu”, nữ nghệ sĩ thổ lộ.
Trong 19 tập phát sóng trên YouTube của NSND Lệ Thủy, mỗi tập thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và có tập đạt gần 2 triệu lượt xem. Hồi ký Thanh Minh Thanh Nga hiện mang về trung bình 20 - 55 nghìn lượt xem. Đây không phải con số lớn như các MV ca nhạc hay phim ảnh “triệu view” để có thể mang về lợi nhuận.
Mặc dù phải thuê địa điểm ghi hình, ê-kíp quay phim, hậu kỳ, đăng ký bản quyền để bảo vệ bản quyền các tập phát sóng nhưng nghệ sĩ Dương Đình Trí khẳng định, anh cùng mẹ không có ý nghĩ kinh doanh hồi ký mà chỉ muốn làm để lưu lại giá trị cho sau này.
“Hiện tại, mẹ tôi còn khỏe mạnh và minh mẫn để kể lại những câu chuyện, đó là một giá trị. Hồi ký này còn giúp lưu lại hình ảnh của không chỉ mẹ tôi mà cả các đồng nghiệp, danh ca nổi tiếng. Sau này, những thế hệ tiếp theo muốn tìm về nguồn cội sẽ có hình ảnh, tư liệu để tham khảo. Đó là những giá trị vô giá mà không phải có tiền là có được”, con trai nghệ sĩ Lệ Thủy tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận