Giáo dục

Thấy gì từ việc đột ngột dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam?

13/11/2022, 08:49

Theo TS Lê Viết Khuyến, việc đột ngột dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT là khá vội vàng, mang tính thủ tục hành chính cứng nhắc.

Ba ngày sau khi Hội đồng Anh thông báo hoãn tổ chức các kỳ thi IELTS và Aptis, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ngày 12/11, đã có văn bản yêu cầu các các cơ sở tổ chức thi ngoại ngữ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt, đồng thời bộ cũng tập trung để rút ngắn tối đa thời gian xử lý các hồ sơ này (trong vòng 20 ngày).

img

Việc IELTS và các kỳ thi ngoại ngữ tại Việt Nam bị đột ngột tạm thời đình chỉ việc tổ chức thi khiến cho dư luận rúng động

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên tập trung xử lý, nhanh chóng phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ (đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL) trong một vài ngày tới.

Trước đó, ngày 11/11, Bộ đã phê duyệt cho Hội đồng Anh được cấp phép thi trở lại với chứng chỉ Aptis.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các bên tuân thủ quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Đề thi, quy trình đăng ký dự thi, tổ chức thi, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, bảo mật; đội ngũ của các bên thực hiện theo quy định của Hội đồng Anh và pháp luật.

Phải giải quyết thiện chí, đặt thí sinh lên hàng đầu

Liên quan đến việc các cơ sở tổ chức ở Việt Nam đột ngột tạm dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ gây xôn xao dư luận những ngày qua, trả lời Báo Giao thông, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, GD&ĐT yêu cầu các bên tuân thủ quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.

Thông tư trên được ban hành từ cuối tháng 7/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2022, tức cách đây đã 2 tháng.

img

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT

Theo thông tư này, tất cả các cá nhân, tổ chức được thành lập hợp pháp trong và ngoài nước có liên quan đến việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam phải nộp hồ sơ lên Bộ để được phê duyệt và cấp phép, sau khi cam kết và chứng minh đã có đủ các điều kiện để hoạt động theo quy định mới ban hành.

Theo TS Lê Viết Khuyến, ở góc độ là các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, khi có quy định mới liên quan lĩnh vực hoạt động của mình thì phải tuân thủ, nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp phép theo quy định mới.

Do đó, bất cứ cá nhân, tổ chức nào chưa được Bộ cấp phép thì đều đang hoạt động không hợp pháp. Với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ hoàn toàn có quyền yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi thực hiện mọi yêu cầu của quy định.

Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, việc dừng các kỳ thi quốc tế, trong đó có IELTS, một cách đột ngột như vừa qua không phải là một cách làm tối ưu, vì nó ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp đến khá nhiều người đang sử dụng chứng chỉ này.

"Hiện nay, hơn 11.000 công ty, tổ chức, và trường đại học khắp nơi trên thế giới công nhận bài thi này. Trong đó, 100% các đại học thuộc Top 100 đại học hàng đầu tại Mỹ cũng như 100% tất cả đại học tại Anh và Australia đều chấp nhận sử dụng điểm IELTS.

Hạn nộp đơn ứng tuyển của hầu hết các trường Mỹ, Anh, Australia, Canada... đều sẽ diễn ra trong giai đoạn quý I và quý IV. Đó là chưa kể hàng chục nghìn học sinh khác đang hướng tới việc nộp đơn vào các trường đại học trong nước có sử dụng IELTS là phương thức xét tuyển cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp cấp bách, thí sinh có thể ra nước ngoài dự thi để kịp lộ trình, nhưng chi phí bỏ ra không phải ai cũng có thể chi trả.

Như vậy, quyết định nói trên của Bộ GD&ĐT là khá vội vàng, mang tính thủ tục hành chính cứng nhắc. Trong khi đó, cơ quan quản lý có thể nhắc nhở trước các đơn vị thực hiện quy định mới, quá thời hạn cho phép, nơi nào không tuân thủ sẽ bị xử lý. Chúng ta nên giải quyết thiện chí, đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu", TS Lê Viết Khuyến cho hay.

Thế giới làm gì khi phát hiện gian lận tại cuộc thi IELTS?

Thời gian qua, khi "cơn sốt" IELTS chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bên cạnh kết quả tích cực cũng tồn tại nhiều hạn chế, lùm xùm, kiện tụng về tính minh bạch, gian lận và mua bán chứng chỉ.

Do đó, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, việc siết chặt hình thức thi cử của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn đúng đắn. Bởi, mọi hoạt động giáo dục trên lãnh thổ Việt Nam cần thực thi theo đúng quy định của luật pháp.

img

Thực tế, thông tin gian lận trong các kỳ thi IELTS từng xuất hiện nhiều ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... Như ở Trung Quốc, khi có thông tin không minh bạch, các cơ quan quản lý giáo dục Trung Quốc chọn cách thông báo trực tiếp cho Hội đồng Anh, IDP và Cambridge English. Từ đó yêu cầu họ xác minh, xử lý kịp thời với các trung tâm có gian lận.

"Hội đồng Anh, IDP và Cambridge English chính là bên bị thiệt hại nặng nề nhất nếu như bài test IELTS không còn giữ được uy tín với các tập đoàn và các trường đại học.

Họ kiếm hàng trăm triệu USD từ kỳ thi này và hưởng lợi từ sự minh bạch này. Do đó, khi uy tín bị giảm sút, chứng chỉ giảm chất lượng, chắc chắn thi cử tự động được siết chặt lại", TS Lê Viết Khuyến nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.