Chuyện dọc đường

Thấy gì từ việc mua bán giấy phép lái xe giả?

12/08/2022, 06:30

Website giả mạo Báo Giao thông điện tử có mục đích lừa đảo, nhằm bán GPLX giả.

Một bạn đọc gọi điện đến Báo Giao thông hỏi tại sao báo của cơ quan Nhà nước lại tiếp tay cho việc bán GPLX. Chúng tôi tức tốc kiểm tra và bất ngờ khi phát hiện tờ báo bị mạo danh.

img

Website giả mạo Báo Giao thông điện tử có thiết kế khá tinh vi hòng lừa đảo, bán GPLX giả (Ảnh chụp màn hình)

Những lần trước, việc bị giả mạo để đăng tin bài bôi xấu các cơ quan Nhà nước đã từng xảy ra nhưng lần này, những kẻ lập ra trang Báo Giao thông giả có mục tiêu rõ ràng và tinh vi hơn: Bán GPLX giả.

Khi phóng viên kết nối với đối tượng rao bán GPLX có ảnh là cô gái trẻ xinh xắn, tóc ngắn thì nhận được tư vấn hết sức tận tình: “Nếu anh không muốn đi thi, trung tâm có người thi hộ, bằng là bằng thật”. Anh có thể kiểm tra số GPLX bằng cách vào trang web Báo Giao thông sau đó tra cứu trong mục Tra cứu thông tin giấy phép lái xe sẽ thấy.

Tất nhiên, sẽ có không ít người tin vào lời quảng cáo và sập bẫy những kẻ bán giấy phép lái xe giả bởi lời hướng dẫn tra cứu thông tin này. Ít ai ngờ, các đối tượng dày công lập cả trang web giả mạo báo chí với măng séc và thông tin cơ bản trùng khớp với trang chính thống.

Lần này, ngoài việc đăng bài cảnh báo, chúng tôi lại “cầu cứu” các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Công an có giải pháp chặn các trang mạo danh và điều tra phá các đường dây mua bán GPLX đang nở rộ trên mạng.

Đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đã từng phát hiện nhiều trang giả mạo Tổng cục để rao bán GPLX và đề nghị xử lý nhưng việc chặn triệt để các nền tảng này là khó, bởi các đối tượng thường xuyên thay đổi tên miền. Công việc hẳn “ăn nên làm ra” nên chúng mới tồn tại lâu đến thế.

Vấn đề đặt ra tại sao người ta biết là GPLX giả nhưng vẫn mua, vẫn sử dụng?

GPLX ô tô được quảng cáo cấp sau 7 ngày với mã QR đầy đủ, chuẩn tem phôi gốc nhưng giá chỉ 5 triệu, bằng 1/4 chi phí đào tạo chính thức đi kèm lời cam kết hàng giả giống 99% hàng thật.

“Nếu kiểm tra thì khó phát hiện được nhưng nếu gây ra tai nạn, hay cần kiểm tra pháp lý thì sẽ không có hồ sơ gốc”, đối tượng rao bán GPLX giả giải thích.

Và hẳn trong thương vụ này, chả ai bị lừa cả, người mua chỉ cần một cái bằng để qua mặt cơ quan chức năng.

Khi cung cầu gặp nhau thì việc truy quét của các cơ quan chức năng ngày càng khó hơn, nhất là trong thời công nghệ số. Chặn địa chỉ này, lại mọc ra địa chỉ khác quảng cáo dịch vụ.

Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ đã khám xét tại 12 địa điểm liên quan đến đường dây làm GPLX giả có quy mô lớn, đã khởi tố 32 bị can với tội danh làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt cao nhất với tội danh này là 7 năm và bị phạt tiền cao nhất đến 50 triệu đồng. Còn với người dùng GPLX giả, chỉ bị phạt tiền cao nhất 6 triệu đồng.

6 triệu đồng không cao nhưng nó có thể gây ra thiệt hại khôn lường. Khi ai đó không chịu học mà bỏ tiền mua GPLX giả để lái xe ra đường, đồng nghĩa họ có thể cướp đi tính mạng của người khác vì thiếu hiểu biết và kỹ năng lái xe.

Nếu thực hiện nghiêm quy định không cấp GPLX cho người sử dụng GPLX giả trong vòng 5 năm, thậm chí xem xét không cấp vĩnh viễn, chắc chắn sẽ không còn dịch vụ bán GPLX giả nữa.

Nguyễn Nga

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.