70.000 người lao động biểu tình
Variety đưa tin, ngày 15/10 cuộc đàm phán lần thứ tám giữa Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim (IATSE) và Liên minh về các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) đã diễn ra với nhiều nội dung mới.
Các nhân viên trong đoàn làm phim biểu tình tại Nhà hát Opera Metropolitan, New York, Mỹ
Matthew D. Loeb - Chủ tịch IATSE thông báo 60.000 nhân viên sẽ bắt đầu cuộc đình công chống lại các hãng phim lớn từ trưa 18/10. Variety cho biết thêm, sự kiện đồng thời thu hút 10.000 người ở các công đoàn khác, bao gồm cả Hội công nhân điện quốc tế.
Loeb cho rằng cuộc đình công sẽ ảnh hưởng đến mọi nhân sự tại Hollywood. Những người lo ngại về tình trạng đình công nên liên hệ với trưởng đại diện tại nơi làm việc để ra quyết định.
Ông Matthew D. Loeb - chủ tịch Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim
IATSE thậm chí còn sẵn sàng tiết lộ tỷ lệ nhân viên đòi đình công, trong đó ghi nhận 98,7% phiếu ủng hộ và 90% người tuyên bố sẽ hành động. Cả hai con số cho thấy sự ủng hộ áp đảo.
Hiện, 13 chi nhánh của IATSE ở Bờ Tây Mỹ đã chuẩn bị băng rôn phản đối và khẩu trang để xuống đường. Họ sắp xếp lịch trình và cho người đưa đón nhân viên đến nơi đình công. Dòng người này bao gồm nhiếp ảnh gia, quay phim, chuyên viên PR, nghệ sĩ trang điểm, hóa trang, biên tập viên, kỹ thuật viên âm thanh, họa sĩ, thợ điện...
"Cuộc chiến sẽ không kết thúc dễ dàng, chúng tôi có thể nói về chuyện này mãi mãi. Nhân viên của chúng tôi xứng đáng được giải quyết nhu cầu cơ bản ngay lập tức", Variety trích lời của Loeb.
Thay đổi gì từ cuộc đình công lớn nhất lịch sử
Song song với kế hoạch này, Loeb vẫn tiếp tục thương lượng với Liên minh Các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) nhằm tiến tới thỏa thuận giải quyết vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, theo Deadline, lãnh đạo IATSE đang tỏ ra thất vọng trước cách làm việc lề mề của AMPTP.
Nhân viên của Deere & Company bên ngoài trụ sở công ty ở Iowa
Trước mắt, IATSE muốn giảm giờ làm, muốn nhân viên hậu trường chỉ phải làm việc tối đa tới 14 tiếng một ngày. Hiện tại, khi nhu cầu của các chương trình giải trí trên truyền hình và các bộ phim trên nền tảng trực tuyến đang gia tăng, việc nhân viên hậu trường có ngày làm việc kéo dài, thời gian nghỉ giữa các dự án và thời gian nghỉ giải lao trong ngày bị cắt ngắn là điều rất thường thấy.
Do đó, IATSE yêu cầu các hãng phim cam kết nhân viên hậu trường được nghỉ ngơi ít nhất 10 giờ giữa ca làm việc và 54 giờ mỗi cuối tuần.
Họ cũng đề xuất khung phạt hợp lý nhằm buộc các nhà sản xuất phải cho nhân viên có thời gian ăn trưa. Đồng thời, những khung phạt cũng phải được áp dụng để các bên sản xuất chấm hạ mức giá chiết khấu cho các dịch vụ phát trực tuyến.
Còn nhớ cuối năm 2007 và đầu năm 2008, các biên kịch truyền hình và điện ảnh ở Hollywood đã tiến hành đình công. Thời điểm ấy, nhiều show truyền hình đã buộc phải ngưng lại, nhiều nhà đài đã tạm thời "chữa cháy" bằng cách chiếu lại một số bộ phim cũ trong khoảng thời gian các biên kịch đình công.
Nhìn nhận về tình hình hiện tại, chuyên gia của Variety nhận định, phong trào của IATSE nhiều khả năng mang lại kết quả khả quan. Trên thực tế, các hãng phim lớn khó tìm được nguồn lao động mới có kỹ năng, kinh nghiệm tương đương lực lượng lao động đòi đình công. Điều này càng bất khả thi hơn trong bối cảnh ngành giải trí phải chịu áp lực sản xuất liên tục các chương trình mới, đa dạng về nội dung và hình thức để phù hợp với thời đại số.
“Nhà quảng cáo chi trả rất nhiều tiền cho các trận thể thao trực tiếp, trong khi show truyền hình phát trực tuyến ngày nay không được như vậy”, vị chuyên gia này nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận