Làm báo cùng Giao thông

Thày sẽ dạy gì?

02/04/2018, 11:51

Sáng sớm, khi tiếng loa đầu ngõ vừa tắt, thày Năm lật đật cầm tờ báo chạy sang nhà thày Bảy...

thay-giao

Khởi tố, bắt giam hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây nhận 300 triệu đồng lừa đảo "chạy việc"

Vỗ tay vào bài báo đăng tin Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã khởi tố, bắt tạm giam Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (huyện Krông Pắk) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thày Năm buồn bực nói: “Ông Bảy nè, tay hiệu trưởng mấy hôm trước báo nêu trong vụ dôi dư 500 giáo viên bị bắt để điều tra rồi, ông ạ. Mấy nay, tôi theo dõi vụ này mà thấy như dao cứa vào lòng. Cũng làm nghề giáo, cũng mười mấy năm làm hiệu trưởng nhưng sao tôi thấy như chính mình bị phản bội”.

Tiếp lời ông giáo Năm, ông Bảy phân trần: “Nhìn cái ngành giáo của mình giờ sao tôi thấy buồn lắm, ông ạ. Đấy cũng là do đào tạo sinh viên sư phạm ra nhiều quá, trong khi nhu cầu tuyển dụng thì ít. Tôi tính sơ sơ cũng có trên năm chục trường đào tạo sư phạm. Riêng các trường ở Hà Nội, mỗi năm có tới cả nghìn sinh viên sư phạm ra trường”.

Nhấp chén trà, ông giáo Bảy nói tiếp: “Sinh viên ra trường nhiều vậy thì chỗ nào mà làm. Học đại học tính ra 4 năm cũng tiêu tốn cả trăm triệu. Ra trường may mắn thi biên chế đậu thì lương cũng ba cọc ba đồng chứ nhiều gì hơn. Chỉ có đi dạy thêm hay làm cái gì mới dư giả được”.

“Khổ vậy mà có nhiều gia đình vẫn bỏ cả trăm triệu đồng để mua chỗ đứng trên bục giảng cho con cái. Cái nghề của muôn nghề nay thành món hàng để ra giá”, ông Năm thở dài.

Vỗ vai ông Bảy, ông giáo Năm như nghẹn lại: “Tôi nhớ ngày xưa cái thời còn đi dạy, có những lúc tôi lấy mình làm tấm gương để nói về cuộc sống. Có những trò sau đó yêu cái nghề thanh sạch của mình rồi cũng tiếp bước làm thày cô. Nay những chuyện này xảy ra, không biết những người đứng lớp có lấy tấm gương của mình để giảng cho trò được nữa hay không?

Chẳng nhẽ nói với trò rằng: “Thày phải bán đất, vay nợ ngân hàng bằng mọi cách để cầu cạnh những người có quyền chức và để… “mua” một suất dạy học ở đây. Và có cả chuyện cô giáo ở tỉnh Đắk Lắk năm nào đó để có một chân biên chế đã chấp nhận “đổi tình”...”.

Chia tay ông giáo Bảy quay về nhà mà trong đầu ông Năm nghĩ mãi câu nói buồn rười rượi: “Chúng ta sẽ dạy gì khi phải “mua” một chỗ đứng trên bục giảng?”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.