Kiểm tra vé tháng khách hàng sử dụng để đi xe buýt tuyến số 44, Hà Nội - Ảnh: N.V |
Ai nhường đường cho buýt?
Nhiều ý kiến cho rằng, xe buýt là một trong những nguyên nhân gây ra tắc đường tại các thành phố lớn. Lý do là xe buýt có kích thước lớn, lại được lưu thông trên những tuyến đường nội đô nhỏ hẹp và đi chung làn với nhiều phương tiện khác. Hơn nữa, xe buýt thường xuyên đi tạt ngang, tạt ngửa từ ngoài làn chính vào các điểm đỗ bên lề đường để đón khách, vô hình trung tạo ra dòng cản rất lớn đối với các phương tiện khác, gây xung đột giao thông và giảm tốc độ lưu thông. Vào giờ cao điểm, thậm chí hai xe buýt đi song song đã chắn hết toàn bộ làn đường, cản trở các xe phía sau lưu thông.
Những ý kiến đó hoàn toàn đúng và người ta có quyền tin rằng, xe buýt đang là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Mặt khác, mạng lưới xe buýt hiện nay cũng chưa thuận tiện, dẫn đến thực trạng để di chuyển từ điểm A đến điểm B dù khoảng cách rất ngắn chỉ khoảng 6km, nhưng xe buýt phải đi vòng mấy tuyến rất mất thời gian. Dịch vụ xe buýt chưa được nâng cấp, chất lượng xe cũng chưa cao, nếu không muốn nói là tồi. Chính vì vậy, xe buýt ngày càng mất khách và bị đánh giá là tội đồ gây ùn tắc giao thông đô thị. Người dân cũng vì thế mang nặng tâm lý xe buýt chỉ dành cho người nghèo, học sinh và sinh viên.
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn... |
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chúng ta hãy thử nhìn lại từ trước đến nay có mấy ai tham gia giao thông mà chấp nhận nhường đường cho xe buýt? Đi trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, tôi thấy đa phần người ta sẵn sàng tạt đầu xe buýt, lấn đường của xe buýt, các nhà chờ và điểm chờ xe buýt bị biến thành nơi bán trà đá, đỗ xe ôm, bắt khách của xe dù... Mới đây nhất, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội Yên Nghĩa - Kim Mã đi vào hoạt động với kỳ vọng làn đường dành riêng sẽ khiến xe buýt đi thông thoáng hơn, nhanh hơn để dần thu hút khách. Thế nhưng, khi vừa đi vào vận hành được 1 ngày, toàn bộ làn đường riêng của buýt nhanh BRT đã bị các phương tiện khác lấn chiếm. Xe máy, ô tô cá nhân, ô tô biển xanh cũng tranh thủ chiếm đường của buýt nhanh chỉ vì lý do duy nhất: Đường tắc, làn buýt nhanh thoáng nên cứ tranh thủ chiếm đường. Đến nay làn đường cho buýt nhanh gần như bị chiếm trọn trước sức ép rất lớn từ phương tiện giao thông cá nhân, từ những người tham gia giao thông chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, mà không có ý thức nhường nhịn. Thậm chí, Hà Nội còn có chủ trương nghiên cứu để buýt thường hoạt động chung làn với buýt nhanh. Nguy cơ buýt BRT vỡ trận đang hiện hữu.
Gạt bỏ tâm lý xe buýt chỉ dành cho người nghèo
Theo thống kê, mỗi ngày mạng lưới xe buýt của Hà Nội vận chuyển được khoảng hơn 1 triệu lượt khách. Đối với buýt nhanh BRT, sau hơn 3 tháng vận hành đã chuyên chở được 1,2 triệu lượt khách. Đây là con số còn khiêm tốn đối với một đô thị gần 8 triệu dân và cả năng lực chuyên chở của hệ thống buýt Hà Nội. Nhiều lần đi xe buýt, tôi thấy xe rất vắng khách, cả chuyến đếm đi đếm lại, kể cả người lên xuống cũng chỉ được gần 20 người. Trong khi đó, dưới đường đông nghịt người và xe cá nhân.
Để thu hút khách đi xe buýt, bên cạnh nâng cao chất lượng xe, theo tôi cần có những chính sách nhất quán, loại bỏ việc bán và mua vé thủ công để hạn chế thấp nhất thất thoát trong khâu bán vé và tạo thuận lợi cho người mua vé xe buýt. Hệ thống thẻ vé này có thể áp dụng cho tất cả các tuyến xe buýt, thậm chí có thể sử dụng cho cả các tuyến tàu điện đô thị trong tương lai. Người dân nạp tiền vào thẻ, khi lên xe chỉ cần quẹt thẻ là xong. Như thế tiết kiệm được thời gian cho hành khách và công ty xe buýt cũng bớt được nhân lực kiểm soát vé.
Hãy thử tưởng tượng một chiếc xe buýt chở được ít nhất 50 người sẽ giải quyết được ít nhất 50 chiếc xe máy cá nhân lưu thông cùng một lúc trên mặt đường, như vậy sẽ giảm đáng kể mật độ lưu thông và ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, Hà Nội thực hiện hàng nghìn chuyến xe buýt chuyên chở một khối lượng hành khách lớn đến thế nào. |
Đối với xe buýt nhanh BRT, theo tôi cần tiếp tục phát triển, bởi đây là loại phương tiện chuyên chở được khối lượng lớn, lưu thông nhanh, hệ thống kiểm soát hiện đại và có thể phục vụ được cho cả người khuyết tật. Để tạo điều kiện cho buýt nhanh BRT, theo tôi cần tuân thủ tuyệt đối việc áp dụng làn đường riêng, có dải phân cách mềm bằng cao su ngăn cách giữa làn buýt nhanh và làn đường cho các phương tiện khác. Tuyến buýt này nên mở rộng ra các trục đường chính của thành phố, có kết nối với các tuyến buýt thường tỏa đi các hướng.
Nói cách khác, tuyến buýt BRT như là trục xương sống, đóng vai trò là phương tiện vận chuyển chính từ các cửa ngõ, sân bay, ga tàu vào các tuyến đường nội đô. Tại đây có những điểm đỗ trung chuyển lớn với hệ thống xe buýt nhỏ hơn đưa khách về các hướng của thành phố. Nếu như có thêm một tuyến xe buýt nhanh BRT từ cửa ngõ phía Nam để gom khách từ các bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát đi vào nội đô, thậm chí kết nối với tuyến buýt nhanh BRT Giảng Võ - Yên Nghĩa sẽ khai thông được một lượng lớn hành khách, giảm được ùn tắc giao thông trục đường Giải Phóng. Bởi lẽ phần lớn hành khách đi hoặc đến các bến xe trên trục đường này hiện đang sử dụng xe cá nhân hoặc taxi. Nếu có tuyến xe buýt nhanh từ nội đô thành phố kết nối bến xe sẽ bớt được cả nghìn lượt phương tiện lưu thông trên tuyến đường Giải Phóng mỗi ngày.
Đã đến lúc chúng ta phải gạt bỏ tâm lý xe buýt chỉ dành cho người nghèo, học sinh và sinh viên. Xe buýt cần được coi là phương tiện văn minh để phục vụ nhu cầu đi lại của đại đa số người dân đô thị. Tôi cũng rất đồng tình với quan điểm khi nào phương tiện công cộng tốt, khi đó người dân sẽ tự khắc bỏ phương tiện cá nhân.
Nguyễn Thế Anh
Khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận