Nhà thờ mái vòm bằng vàng "Dome of Rock" linh thiêng nhất của người Hồi giáo ở Jerusalem |
Vì sao Jerusalem quan trọng đối với người Hồi giáo
Ở thành phố Jerusalem, mỗi hòn đá đều có câu chuyện, mỗi cây ô liu là một lịch sử, và mỗi ngọn núi có tên khác nhau, tùy thuộc vào người kể cho chúng ta về những địa danh đó là ai.
Bởi vì đây là cội nguồn và nơi cùng chung sống của cả 3 tôn giáo hàng đầu thế giới: Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái.
Jerusalem cũng là khởi nguồn của những tranh cãi gay gắt bất tận và các cuộc xung đột chưa có hồi kết, khiến cho nơi đây không còn yên bình nhiều thập kỷ qua.
Đây là một thành phố bị chia cắt, một phần của người Ả Rập, một phần của người Do Thái, và các bên vẫn đang tranh đấu không ngừng nghỉ cho quyền sở hữu thánh địa này. Cả Israel và Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của nước mình.
Jerusalem (trong tiếng Ả Rập là al-Bayt al-Maqdis – “Nhà Thánh hóa” – hay đơn giản là Al-Quds, “Thành Thánh”) là nơi quan trọng với người Hồi giáo vì nhiều lý do.
Nhà tiên tri Muhammad bắt đầu sứ mệnh của mình vào năm 610 sau Công nguyên, ông đã theo sau Do Thái và Cơ đốc giáo hướng về Jerusalem khi cầu nguyện hàng ngày và coi Hồi giáo là sự tiếp nối và đổi mới của dòng họ tín ngưỡng Abraham.
Luật Hồi giáo đã áp dụng ở Jerusalem kéo dài 12 thế kỷ, dài hơn bất kỳ hệ thống luật lệ nào khác, dù là của Do thái, La Mã, Ba Tư hay Cơ đốc giáo.
Quảng trường Hồi giáo là khu vực lớn nhất trong 4 quảng trường tại Jerusalem. Nơi đây có đền thờ Mái vòm bằng vàng Dome of Rock (nơi được cho là nhà tiên tri Mahammad đã đi từ thánh địa Mecca tới đây và bay lên thiên đàng trên con ngựa có cánh) và nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa (còn được gọi là al-haram al-sharif, hay “Thánh địa Cao quý”).
Thánh địa này đã trở thành nơi thiêng liêng thứ ba trong hành trình hành hương của các tín đồ Hồi giáo. Riêng dịp thánh lễ Ramadan, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn người Hồi giáo tới hành hương.
Từ năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sau đó sát nhập lãnh thổ này vào quốc gia Do Thái.
Đối với nhiều người Hồi giáo, Jerusalem đã trở thành biểu tượng kháng chiến chống lại sự chiếm đóng các lãnh thổ Ả Rập của người Israel. Trong khi đó, các nhóm cực đoan và khủng bố như al-Qaeda, IS và lực lượng Al-Quds của Iran vẫn thường xuyên gọi “giải phóng Jerusalem” là một trong những mục tiêu chính của họ.
Nội bộ “mất đoàn kết”
Biểu tình ở Dải Gaza của người Palestine ngày 7/12 phản đối tuyên bố của Washington công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel |
Đối đầu nội bộ cùng những cuộc chiến tranh liên miên khiến cho thế giới Arab không thể hình thành một liên minh có khả năng phản ứng hiệu quả lại tuyên bố của Mỹ về Jerusalem.
Từ lâu, Arab Saudi và các nước theo dòng Hồi giáo Sunni đã đối đầu với Iran, quốc gia có 80% dân số theo dòng Hồi giáo Shiite. Quan hệ giữa chính các quốc gia Arab đang rạn nứt nghiêm trọng bởi khác biệt về chính trị và tôn giáo.
Lãnh đạo của không ít quốc gia Arab lớn tiếng cảnh báo về hậu quả thảm khốc sẽ diễn ra sau quyết định của Washington. Nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi các nhà lãnh đạo có thể làm được những gì ngoài lời hùng biện. Bởi vì các ông lớn của thế giới Arab hiện còn bận bịu với một loạt các rắc rối nội bộ và đối đầu lẫn nhau.
Tuyên bố của ông Trump hôm 7/12 về vấn đề Jerusalem đã trở thành lý do để cãi nhau giữa người Sunni và Shiite ở Trung Đông, những bên đang tham gia vào một cuộc chiến tranh thảm khốc dành cho quyền lực tối cao trong khu vực.
Theo AP, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif hôm 7/12 đã phát một thông điệp hướng tới Arab Saudi: “Nếu một nửa số kinh phí mà các nhà lãnh đạo trong khu vực chi để khuyến khích chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa chia rẽ và kích động chống lại các nước láng giềng được dành cho việc giải phóng Palestine..., chúng ta sẽ không phải đối mặt với một người Mỹ tự cao tự đại này (ám chỉ Tổng thống Mỹ Donald Trump)”.
Còn nhớ, vào năm 1973, các nhà sản xuất dầu Ả Rập đã áp đặt lệnh cấm vận đối với Hoa Kỳ để trả đũa cho sự hỗ trợ của quân đội Mỹ cho Israel, khiến giá khí đốt tăng cao và đẩy mạnh nền kinh tế Mỹ biến động, đã thể hiện sức mạnh của Arab Saudi vào thời đó.
Hiện, Arab Saudi đã lên tiếng chống lại hành động của Trump, nói rằng nó sẽ “kích động tình cảm của người Hồi giáo trên khắp thế giới”.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, để chờ đợi một hành động mạnh mẽ của nước này chống lại tuyên bố của Hoa Kỳ về Jerusalem là gần như không thể. Bởi vì Arab Saudi đang có mối quan hệ tốt đẹp với Nhà Trắng, chưa kể, hoàng tử quyền lực Mohammad Bin Salman, có mối quan hệ gần gũi với Trump và con rể của ông Jared Kushner. Hơn thế, Arab Saudi sẽ vẫn bắt tay với Hoa Kỳ để chia sẻ các thông tin tình báo về Iran.
Với tình hình trên, ngoài những cuộc biểu tình trên đường phố, thứ vốn không mảy may tác động tới chính giới Mỹ, cùng những vụ đánh bom phá hoại, dường như thế giới Arab không có cách chống trả nào hữu ích hơn để đáp lại quyết định từ Washington.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận