Báo cáo Winners and Losers năm 2021 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cảnh báo hàng triệu loài động vật, thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt chỉ trong 10 năm tới.
“Đây sẽ là cuộc tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất kể từ thời khủng long tuyệt chủng”, báo cáo có đoạn viết.
Hiện một số loài động vật như voi, gấu bắc cực, cá mập, động vật lưỡng cư và cá đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Số lượng voi rừng châu Phi giảm 86% trong 31 năm.
Voi rừng châu Phi nằm trong số các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Loài gấu bắc cực đang bị đe dọa bởi tốc độ tan băng nhanh chóng tại Bắc Băng Dương. WWF ước tính băng tại khu vực này có thể tan hoàn toàn trước mùa hè năm 2035.
Đánh bắt quá mức, mất môi trường sống và biến đổi khí hậu là những yếu tố khiến số lượng cá mập trên thế giới giảm 30%. Động vật lưỡng cư và cóc tại Đức nhiều khả năng không còn tồn tại sau cuộc tuyệt chủng hàng loạt dự báo diễn ra trong thập kỷ tới. Một nửa các loài lưỡng cư bản địa tại Đức hiện đã được xếp vào nhóm các loài nguy cấp.
Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt kê 142.500 loài, trong đó 40.000 loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đây là con số lớn nhất kể từ khi tổ chức này thống kê danh sách trên từ năm 1964.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng ghi nhận một số điểm sáng trong công tác bảo tồn động thực vật trong năm nay.
Nhờ những nỗ lực bảo tồn, số lượng tê giác Ấn Độ tại Nepal đã tăng 16% kể từ năm 2015; loài linh miêu tại Irebia cũng gia tăng số lượng gấp 10 lần trong 18 năm qua với tổng số 1.111 cá thể sinh sống tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dù từng có lúc đẩy tới bờ vực tuyệt chủng.
Các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên cũng giúp số lượng kền kền râu tại khu vực dãy núi Alps gia tăng, với hiện có khoảng 300 cá thể tại khu vực này.
Để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng kể trên, WWF kêu gọi các nước cùng tham gia ký kết một hiệp ước bảo tồn mới trên quy mô toàn cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận