Thời sự Quốc tế

Thế giới được mất gì từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

02/02/2019, 06:00

Nền kinh tế toàn cầu sau gần một năm chịu tác động, bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới...

img
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ tháng 3/2018 với các đòn thuế “ăn miếng, trả miếng”

Nền kinh tế toàn cầu sau gần một năm chịu tác động, bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đã có những thay đổi cả tích cực lẫn tiêu cực. Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, trong dài hạn, những tác động này sẽ giúp chuyển dịch trung tâm kinh tế toàn cầu sang châu Á.

Thúc đẩy các khối liên minh kinh tế mới

Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhằm vào Trung Quốc nhìn ở quy mô chiến lược đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu, trong đó giúp tăng tốc một số xu hướng vốn đã được hình thành trong vài năm qua, theo nhà phân tích kinh tế toàn cầu Yuwa Hedrick-Wong từ Singapore.

Theo dự báo mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,7% vào năm 2019, giảm so với dự báo ở mức 3,9% được đưa ra hồi tháng 7/2018.

Cũng theo báo cáo này, với tác động của các chính sách thuế hiện tại, nền kinh tế Mỹ sẽ bị tác động đáng kể, trong khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 5% vào năm 2019, thấp hơn dự đoán trước đây là 6,2%.

Theo dữ liệu của IMF, năm 2017, xuất khẩu từ EU (khối liên minh gồm 28 quốc gia thành viên, khác biệt với khu vực đồng Euro) sang châu Á lớn hơn Mỹ và tăng nhanh gần gấp 2 lần so với xuất khẩu sang Mỹ trong thập kỷ qua.

Trong khi xuất khẩu của châu Á sang EU năm 2017 vẫn thấp hơn một chút so với lượng hàng hóa xuất sang Mỹ, nhưng đà tăng lượng tỷ trọng đang tăng nhanh.

Do vậy, nếu xét trên quy mô thị trường, đối với EU thì châu Á đang quan trọng hơn nhiều so với Mỹ; còn đối với châu Á thì EU sẽ sớm quan trọng hơn so với nền kinh tế Hoa Kỳ. Và trong bối cảnh này, cuộc chiến thương mại của ông Trump đang tạo ra động lực mới cho EU và châu Á để tăng tốc độ mở cửa thị trường nhằm củng cố mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách nhanh chóng thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do khu vực. Điển hình là sau khi Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định mới với các giá trị cốt lõi không thay đổi, được đổi tên thành Thỏa thuận toàn diện và tiến bộ cho quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 quốc gia ở cả hai bên Thái Bình Dương.

Còn tại châu Á, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và khu vực, bao gồm cả cường quốc kinh tế Trung Quốc, đang được ưu tiên như một bước tiến lớn đối với hội nhập kinh tế châu Á.

Mỹ khó có thể cản được xu hướng lịch sử

Sự chuyển dịch nêu trên sẽ tạo đà để mạng lưới các chuỗi cung ứng toàn cầu mở rộng, trở nên năng suất và đan xen dày đặc hơn trên khắp châu Âu và châu Á, trong khi giảm sút ở Mỹ.

Nhà báo Shou’en Li (từ Bắc Kinh, Trung Quốc) dự báo rằng, trong khi 326 triệu người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng phải chịu tác động từ thuế quan của ông Trump, thì hơn 4 tỷ người tiêu dùng ở châu Âu và châu Á sẽ phát triển mạnh và được tận hưởng nhiều hơn với các sản phẩm và dịch vụ tốt và rẻ hơn được cung cấp bởi các doanh nghiệp cạnh tranh và sáng tạo.

Hơn nữa, Trung Quốc từ lâu đã có mối quan hệ tốt với châu Phi và Bắc Kinh, tạo được mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và hầu hết các quốc gia châu Mỹ La tinh. Do vậy, Trung Quốc sẽ có nhiều thị trường thay thế các mặt hàng đang xuất khẩu và nhập khẩu vào Mỹ.

Trong trường hợp ông Trump giành thắng lợi trong cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc trong năm 2019, về lâu dài, cơ cấu kinh tế thế giới sẽ vẫn tiếp tục xu hướng ít phụ thuộc vào Washington nhằm tránh một kịch bản tương tự về sau.

Và cuối cùng, theo bà Shou’en Li, mặc dù ông Trump đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn và kiềm chế tham vọng công nghiệp trong chương trình “Made in China 2025” của Trung Quốc, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ khó có thể đảo ngược và ngăn chặn xu hướng lịch sử.

Hướng đi cho Việt Nam

Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, sản xuất - gia công các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ.

Thực tế cho thấy, trong năm 2018, nhiều công ty nước ngoài đã chọn Việt Nam là điểm đến cho các nhà máy sản xuất và trong năm 2019, Việt Nam có thể sẽ thu hút thêm nhiều vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó, tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, thách thức của Việt Nam cũng không hề nhỏ khi phải tuyệt đối tránh hiện tượng hàng Trung Quốc “mượn mác” hàng Việt như một cách để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, tiêu biểu là các mặt hàng sắt thép, đồ gỗ nội thất.

TS. kinh tế Phạm Đỗ Chí từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết, giới chức Mỹ rất cảnh tỉnh với “mối đe dọa” này từ Trung Quốc. Giống như trường hợp thép nhập từ nước thứ ba nhưng do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, Hoa Kỳ sẵn sàng áp thuế rất cao đến 25% hoặc chặn hẳn các hàng Trung Quốc “mượn mác hàng Việt” ngay tại cửa khẩu Mỹ.

Theo phân tích của ông Chí, cựu chuyên viên IMF, con đường Việt Nam nên đi là cải cách, tăng cường tính thị trường của nền kinh tế, khuyến khích sản xuất trong khu vực tư nhân, cùng với đó là lập các thương hiệu, chuỗi sản xuất mới và riêng biệt với Trung Quốc.

Nhìn xa hơn, TS. Phạm Đỗ Chí cho rằng, Mỹ đang khuyến khích phát triển khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do vậy Việt Nam có thể hưởng lợi lớn về cả chính trị và kinh tế thương mại bằng cách tham gia một liên minh mới với một số nước chính ở Đông Nam Á cùng Ấn Độ, Australia và New Zealand để phát triển ngoại giao và thương mại vùng, đặt thế đứng vững chãi nhằm tăng cường thương mại bền vững trong liên minh và với Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.