Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cuối tuần qua có một chi tiết đáng chú ý. Vì Malaysia là chủ nhà nên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đều sử dụng màn hình nền chính thức của APEC có hình biểu tượng Perdana Putra - Văn phòng Thủ tướng Malaysia. Khác biệt duy nhất đến từ nhà lãnh đạo nền kinh tế Mỹ và được giới quan sát coi như hình ảnh phản chiếu chiến lược mà chính quyền Nhà Trắng đang thể hiện.
Trung Quốc sẽ gia nhập CPTPP trước khi Mỹ quay lại?
Tuyên bố Kuala Lumpur 2020 và Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 đã được ban hành sau đó, đánh dấu kết quả thành công của cuộc họp.
Tại hội nghị lần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu nhấn mạnh: “Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chưa bao giờ là một trò chơi chính trị có tổng bằng không, trong đó có nước nào đó được lợi bằng sự trả giá của nước khác”, nhưng “đã cung cấp cho chúng ta một nền tảng phát triển để đảm bảo những gì chúng ta làm có thể củng cố lẫn nhau và có lợi cho tất cả”.
Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và quyết tâm xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận vốn được dư luận thế giới hết sức quan tâm.
Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy, nó được nhiều người coi là nhắm vào Trung Quốc.
Mỹ sau đó đã rút khỏi TPP khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, Trung Quốc đang chủ động xem xét việc tham gia phiên bản mở rộng của nó - CPTPP. Một sự thay đổi như vậy đã mở ra rất nhiều các suy đoán.
Khách quan mà nói, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động và phức tạp nhất trên thế giới, nơi có nhiều lợi ích và mâu thuẫn đan xen. Điều cốt yếu là liệu châu Á - Thái Bình Dương có thể phát huy các yếu tố tích cực, mang tính xây dựng và thật sự thực tâm để ngăn chặn sự hình thành của các yếu tố tiêu cực hay không. Sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể được coi là ngã ba đường của toàn nhân loại.
Là một quốc gia lớn, luôn cho mình là “tràn đầy thiện chí và chân thành trong hợp tác”, chính quyền Bắc Kinh nhiều lần khẳng định: “Hợp tác cùng có lợi không chỉ là chính sách cơ bản trong quan hệ tương tác của Trung Quốc với thế giới bên ngoài, mà còn trở thành niềm tin, thậm chí là tín ngưỡng của người Trung Quốc”.
Trong số hai hiệp định thương mại tự do lớn ở châu Á - Thái Bình Dương vừa được ký kết đều có bóng dáng rất lớn của Trung Quốc. Bắc Kinh đã ký một hiệp định và đang chủ động xem xét tham gia hiệp định còn lại.
Điều đó chứng tỏ, trong khi Mỹ còn đang “lầy chân” trong bầu cử, Trung Quốc đã ráo riết thúc đẩy ảnh hưởng của mình bằng các tuyên bố như “gắn kết giữa lợi ích của mình với lợi ích của các nước khác và hướng tới xây dựng một cộng đồng có tương lai chung ở châu Á - Thái Bình Dương”.
Chủ nghĩa đa phương sẽ được duy trì
Cả hội nghị APEC và RCEP được ký kết trước đó không lâu, đã chứng minh sức mạnh của toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương. Đó là lợi ích chung, ý chí lớn nhất của tất cả các quốc gia và người dân trên toàn thế giới và có thể là xu thế của thời đại. Do những vấn đề nhất thời, xu hướng này có thể bị ngắt quãng một thời gian nhưng chiều hướng chung khó có thể thay đổi.
Một loạt các sự kiện gần đây ở châu Á - Thái Bình Dương thể hiện sự ảnh hưởng rất mạnh của Trung Quốc với khu vực, cũng như sự đồng thuận chung của các cường quốc khác.
Trung Quốc đang cố gắng làm tất cả để xóa đi những cáo buộc từ Mỹ và các nước phương Tây rằng, Trung Quốc đang vi phạm các quy tắc.
Trung Quốc hiện nay muốn thể hiện rằng họ “muốn hòa thuận với những nước khác và đầy tinh thần hợp tác bởi thế giới cần tinh thần như vậy”. Đang tiến lên vị trí cao hơn trên trường quốc tế, nước này dường như muốn chứng mình rằng “chủ nghĩa tự cao và tư duy tổng bằng không là những điều cấm kỵ trong thời đại toàn cầu hóa”.
Hợp tác trong vực châu Á - Thái Bình Dương đã đi được một chặng đường dài. Thực tế là hiện nay khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhắc đến ít hơn so với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Sự khác biệt giữa hai khái niệm là châu Á - Thái Bình Dương khiến người ta nghĩ nhiều hơn về hợp tác, trong khi Ấn Độ - Thái Bình Dương mang đến sự liên tưởng về sự đối đầu. Ngày nay, khi công nghệ có thể tạo ra sức công phá khổng lồ, việc gợi lại tâm lý đối đầu sẽ chỉ mang lại những nghi ngờ và lo ngại.
Sẽ luôn có năng lượng tiêu cực tồn tại trong xã hội loài người, nhưng xu hướng chung của lịch sử là tiến lên. Và cho dù thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự hội nhập sâu rộng của toàn cầu hóa hay một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nó sẽ phụ thuộc vào châu Á - Thái Bình Dương.
Người ta tin rằng, những quốc gia khôn ngoan là những nước muốn giảm đối đầu và tích cực theo đuổi sự tiến bộ. Hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu các bên thực tâm, không có áp đặt, cường quyền sẽ giúp thế giới tốt đẹp, tươi sáng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận