Vũ Thị Chiến đang trao đổi với người dân về cây ngô |
Đi để trưởng thành
Giải thích lý do vì sao lại làm đơn xin “ngược núi”, ứng viên Nguyễn Văn Dũng (tốt nghiệp ĐH Thủy lợi, khoa Công trình thủy lợi) chia sẻ, vì đã từng sống gần một năm trên vùng cao, nên em rất hiểu sự khó khăn của bà con nơi đây và mong muốn được góp phần sức nhỏ của mình chung giúp cùng bà con vượt khó. Dũng tin, có vượt qua khó khăn, mình mới trưởng thành. Ứng viên Vũ Thị Hường (tốt nghiệp khoa Luật, ĐH Công Đoàn) cũng cho hay, nếu ở lại thành phố, em vẫn có cơ hội việc làm, nhưng em luôn mong muốn được cống hiến cho quê hương em.
"Mặc dù, mới bắt đầu thời điểm nhận hồ sơ đăng ký tham gia đề án 500, nhưng Hà Giang đã nhận được rất nhiều cuộc gọi hỏi về đề án này tại địa phương. Điều này thêm khẳng định, đề án đã và đang đáp ứng được nhu cầu của các trí thức trẻ”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang |
Năm 2012, đề án 600 trí thức trẻ về xã nghèo bắt đầu được triển khai nhằm thực hiện ba mục tiêu: Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Đề án đã thu hút hàng nghìn trí thức trẻ quan tâm và đã có hơn 1.700 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Qua tuyển chọn, sàng lọc, Ban Quản lý (BQL) đề án đã chọn được 580 trí thức trẻ.
Từ thành công của đề án 600 trí thức trẻ về xã nghèo, đề án 500 trí thức trẻ bắt đầu được triển khai và đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các trí thức trên toàn quốc. Ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2015, tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thông qua các hoạt động thực tiễn để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho địa phương.
Kinh nghiệm của người đi trước
Trước sự háo hức của các trí thức trẻ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đưa ra những khó khăn mà các trí thức trẻ đã, đang và sẽ phải đối mặt khi về công tác tại những xã có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng thấp kém, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, an sinh xã hội tiềm ẩn những vấn đề phức tạp… Vì vậy, các ứng cử viên được tuyển chọn phải nhanh chóng tiếp cận với công việc, từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Như nhiều trí thức trẻ của đề án 600 đã có cách nghĩ, cách làm sáng tạo, biết tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, biết đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất như kỹ thuật trồng lúa làm năng suất tăng đáng kể... Vũ Thị Chiến - Phó Chủ tịch xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa - một trí thức trẻ của đề án 600 cho hay, những ngày đầu vào cuộc, chị rất vất vả để vận động bà con tuân thủ đúng kỹ thuật theo đề án “Thí điểm trồng ngô đông trên đất hai lúa” do chị đề xuất triển khai tại xã. Chị đã đến gõ cửa từng nhà để vận động rồi kết thúc vụ đông, toàn xã trồng được 5,375ha ngô đông, thu nhập 400 triệu đồng bù đắp vụ mùa thất bát của năm trước. Giờ thì bà con xã Giao Thiện hoàn toàn tin tưởng nữ Phó chủ tịch xã trẻ, thân mật gọi cô là “Cô Chiến ngô đông”.
Còn Nguyễn Anh Khoa - Phó Chủ tịch xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, khi nhận nhiệm vụ cũng là lúc nơi đây đang diễn ra dịch bệnh khiến tuần nào cũng có người dân chết. Sau khi xác định được nguyên nhân gây bệnh do nguồn nước, một đề án xây dựng nguồn nước sạch cũng đã được Khoa đề xuất, xây dựng kế hoạch và trình tham mưu chính quyền. Đến thời điểm này, giai đoạn 1 của đề án nước sạch đã được hoàn thành và đang bước vào giai đoạn 2, bà con nơi đây đã có được nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh, bệnh tật đã giảm...
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận