Trẻ Bắc Ninh đổ về Hà Nội xét nghiệm sán lợn
Sáng nay (16/3), Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương lại tiếp tục tiếp nhận gần 200 phụ huynh đưa con từ Bắc Ninh xuống xét nghiệm sán lợn.
BS. Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, viện đã điều động cán bộ nhân viên hỗ trợ đảm bảo thực hiện thủ tục và làm các xét nghiệm theo quy định.
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, hôm nay cũng tiếp nhận gần 500 trẻ đến từ Bắc Ninh khám và xét nghiệm sán lợn. BS. Vũ Minh Điền, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, BV đã huy động tới 6 phòng khám để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm, khám của các bé.
Trong 15/3, tại hai viện này đã phát hiện 57/308 trẻ đến từ Bắc Ninh dương tính với sán dây lợn.
Việc hàng loạt trẻ ở Thuận Thành, Bắc Ninh đồng loạt được cha mẹ đưa lên Hà Nội thăm khám, xét nghiệm sán lợn bắt nguồn từ việc khoảng giữa tháng 2/2019, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh). Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Được biết, đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 xã (21 trường học) trên địa bàn huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) là Công ty Hương Thành.
Trong chiều nay sẽ tiếp tục cập nhật số trẻ được phát hiện dương tính sán dây lợn.
Điều trị sán lợn dây thế nào?
Theo GS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng – Trường Đại học Y Hà Nội, khi ăn phải sán lợn gạo chỉ từ 10 đến 15 ngày xét nghiệm máu bằng phương pháp ELISA là có thể phát hiện có dương tính với sán không. Nếu người bệnh dương tính với sán lợn thì chỉ cần uống thuốc theo bác sĩ kê đơn và khám lại sau một thời gian. Với những trường hợp mới nhiễm sán, việc điều trị đơn giản hơn những người bị sán lâu ngày khiến sán đóng kén.
Theo GS. Đề, số bệnh nhân mắc sán lợn trong cộng đồng không phải hiếm nhất là khi việc chăn nuôi, canh tác còn nhiều hạn chế như ở nước ta. Số bệnh nhân ăn phải sán gạo lợn gây sán không nguy hiểm bằng bệnh nhân ăn phải nang sán lợn gạo như ăn rau sống chứa nang sán do lợn thải ra.
Theo thống kê, ở Việt Nam, 55 tỉnh có người mắc sán dây lợn. Trong đó, nam giới chiếm 70 %, có bệnh nhân mang tới 300 nang sán dưới da, đa số bệnh nhân mang nang sán dưới cơ kèm theo nang sán trong não. Ấu trùng sán dây lợn ký sinh có thể ảnh hưởng tới các bệnh lý như động kinh, nói ngọng...
"Để phòng ấu trùng sán lợn, tuyệt đối không nên ăn thịt tái và các loại rau sống. Phải quản lý phân thật tốt để không truyền bệnh ra môi trường", GS. Đề khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận