Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT toàn quốc 6 tháng đầu năm 2019 tổ chức ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Chính phủ giao Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 để đưa vào chương trình tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2020, dự kiến thông qua vào kỳ họp vào tháng 10/2020.
Có 4 nhóm được sửa đổi gồm: thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; các quy định cụ thể về xử lý tang vật, các phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu, các phương tiện bị chiếm đoạt sử dụng trái phép; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Dự thảo được xây dựng trên căn cứ tuân thủ các Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt và Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Tinh thần sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý vi phạm theo hướng: tăng mức xử phạt với các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông (như trên đường cao tốc, đi không đúng phần đường làn đường); vi phạm nồng độ cồn và ma túy; xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông.
Cùng đó sẽ tăng mức xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện. Bổ sung quy định xử phạt với trường hợp sử dụng đồng thời nhiều giấy phép lái xe. Vi phạm về đào tạo, cấp GPLX, ví dụ như không có thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết.
Điểm đáng chú ý khác, theo Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, dự thảo quy định gắn trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng có hành vi vi phạm luật giao thông bị cơ quan chức năng phát hiện.
“Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vi phạm mà chủ phương tiện không đến, cơ quan chức năng gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện vi phạm trên chương trình quản lý đăng kiểm”, ông Thạch cho biết.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, những năm gần đây, Cục Đăng kiểm VN đã thực hiện việc tạm dừng đăng kiểm đối với các trường hợp xe ô tô vi phạm pháp luật giao thông theo đề nghị của lực lượng CSGT, TTGT toàn quốc. Các trường hợp bị chặn đăng kiểm do không chấp hành, quá thời hạn nhưng không đến giải quyết vi phạm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, có hơn 5.100 trường hợp phương tiện bị chặn do không nộp phạt nguội, quá hạn không đến chấp hành xử phạt.
Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm VN, việc “chặn" đăng kiểm cũng phát sinh nhiều khó khăn như: người vi phạm đã chấp hành xử phạt nhưng cơ quan xử phạt chậm trễ thông báo cho cơ quan đăng kiểm để gỡ cảnh báo, chặn “nhầm” xe không vi phạm... Mặt khác, cũng có một số ý kiến trái chiều về cơ sở pháp lý khi áp dụng biện pháp trên, vì vậy cần được xem xét, giải quyết để đảm bảo tính pháp lý rõ ràng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận