Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường kiểm tra đoàn tàu mẫu trưng bày tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội |
Theo phương án này, đoàn tàu sẽ tăng kích thước, độ dày nét chữ của biểu tượng Khuê Văn Các và dòng chữ Cát Linh – Hà Đông để đảm bảo nổi bật, dễ nhìn, dễ đọc; làm giảm và mờ các vết hàn, chấm tròn trên thân vỏ tàu để tăng tính thẩm mỹ và độ tinh xảo. Các cạnh sắc ở các chi tiết cửa, cạnh kim loại trên thân tàu phải được xử lý kỹ lưỡng hơn.
Về nội thất, bổ sung 3 tay nắm ở mỗi hàng dọc phía trên ghế ngồi, đảm bảo ít nhất 6 người ngồi ghế và 9 người đứng bám tại vị trí gần ghế; tăng số chỗ ghế ngồi ưu tiên (màu vàng cam) từ 1 lên 2 chỗ ở mỗi ghế; điều chỉnh bản đồ LED phía trên cửa ra vào cho rõ hơn giúp hành khách dễ đọc. Nội dung phát thanh trên tàu bằng tiếng Việt, giọng nữ, tốc độ đọc vừa phải sao cho dễ nghe; chuẩn hoá nội dung tiếng Anh, tiếng Việt của toàn bộ biển báo, chỉ dẫn…
Để đoàn tàu trước khi vận chuyển về Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu ban QLDA đường sắt làm việc với tổng thầu, tham mưu Bộ thành lập đoàn công tác gồm các chuyên gia của các cơ quan đơn vị chuyên môn trong nước sang kiểm tra nghiệm thu các bộ phận chi tiết quan trọng của khung, gầm, giá chuyển… để đảm bảo an toàn.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến nay đã đạt gần 70% tiến độ. Đoàn tàu mẫu đã được trưng bày tại trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội để lấy ý kiến của người dân. Dự kiến, năm 2016 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Dự án này có chiều dài 13,5km từ Cát Linh tới Hà Đông đi hoàn toàn trên cao với 12 ga. Tốc độ khai thác khoảng 35km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận