Ngày 22/5, tỉnh Vĩnh Long tổ chức cuộc họp khẩn, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Đây là địa phương thứ 3 ở miền Tây xuất hiện dịch sau Hậu Giang, An Giang.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long, ngày 20/5, hộ chăn nuôi của ông Phạm Nhựt Cường (khóm 1, phường 8, TP Vĩnh Long) có đàn lợn 22 con bị nhiễm dịch bệnh.
Đến tối 21/5, cơ quan chức năng phát hiện thêm một ổ dịch khác tại khóm 6 (phường 5, TP Vĩnh Long) với số lượng hơn 100 con.
Ngay sau khi các ổ dịch này được phát hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn bị nhiễm bệnh.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch phòng chống dịch tả lợn châu Phi tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch như: tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính dịch bệnh; thành lập các chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch; tiến hành tiêu đôc khử trùng môi trường chung quanh và vận động người dân thực hiện năm không trong công tác phòng chống dịch.
Tại Cần Thơ, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, hiện chưa phát hiện ổ dịch nào trên địa bàn.
Tuy nhiên, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp để chủ động tình hình. Theo đó, các sở, ban ngành, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Cạnh đó, lập kế hoạch, phương án, sẵn sàng vật tư, hóa chất, kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
“Thực hiện theo chỉ đạo, chúng tôi đã xây dựng phương án ứng phó hành động khẩn cấp từ trước đó. Hiện nay, bên cạnh thực hiện theo phương án này, chúng tôi triển khai thêm một sô nội dung, trong đó tăng cường công tác kiểm soát, vận chuyển, tăng cường biện pháp an toàn sinh học, các hộ nuôi sẵng sàng ứng phó. Khi phát hiện lợn chết thì tiến hành tiêu độc, ngăn chặn không lây lan sang các hộ khác. Cạnh đó, cũng tăng cường kiểm soát, nhất là ở các trạm chính như: Lộ Tẻ và cầu Cần Thơ. Tất cả các xe khi qua trạm đều được kiểm tra và tiêu độc khử trùng. Lực lượng thú y ở các địa bàn cũng tăng cường công tác tiêu độc khử trùng đặc biệt là tại các địa bàn tiếp giáp với các địa phương phát hiện ổ dịch. Đồng thời, tuyên truyền người dân thực hiện 5 không”, ông Yên cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận