Ngày 2/12, Công an huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Đặng Đình Đoàn (29 tuổi, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội) về hành vi cho vay lãi nặng.
Trước đó, vào tháng 5/2019, Đặng Đình Đoàn vào Thừa Thiên - Huế để “hành nghề” cho vay. Sau thời gian đầu hoạt động ở TP Huế, Đoàn chuyển về huyện Phú Lộc. Để hút được nhiều người, đối tượng in các tờ rơi quảng cáo hấp dẫn như: cho vay không cần thế chấp, kèm số điện thoại di động rồi phát các tờ rơi quản cáo này tại một số tuyến đường, đặc biệt tại các chợ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đối tượng Đoàn đã cho gần 30 người trên địa bàn huyện Phú Lộc vay tiền. Với lãi suất 0,33%/ngày, tức là 120,45%/năm, đối tượng này đã thu lợi bất chính gần 70 triệu đồng.
Hiện, Công an huyện Phú Lộc đang tiếp tục điều tra để xử lý nghiêm đối tượng Đoàn theo quy định.
Đáng chú ý, mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng việc vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, công ty tài chính núp bóng hoạt động tín dụng đen…, tránh trường hợp người dân vay thì dễ trả thì khó, nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố về tinh thần, tạo áp lực về trả nợ… Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có nhiều người “sập bẫy”.
Trong tháng 11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế cũng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt xử lý nhiều nhóm hoạt động tín dụng đen gồm Hoàng Minh Sơn, Lê Đức Thắng (SN 1992) và Mai Văn Phúc, Nguyễn Xuân Tiến (SN 1997) có hộ khẩu thường trú tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam về tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”.
Quá trình điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, cuối tháng 8/2019 đến 15/11/2019, các nhóm đối tượng Sơn, Thắng, Phúc, Tiến đến tạm trú trên địa bàn TP Huế và “hành nghề” cho vay nặng lãi. Các đối tượng đã thiết kế các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền và treo, dán trên các tuyến đường của TP Huế.
Hình thức cho vay là trả góp cả gốc lẫn lãi hàng ngày, lãi suất từ 1% đến 2% mỗi ngày, chu kỳ thường là 10 đến 25 ngày. Đặc biệt, tiền phí đi thu đối với khoản vay là từ 5% đến 10% tổng tiền gốc.
Với thủ đoạn này, các đối tượng đã thực hiện 96 hợp đồng cho vay, số tiền gốc cho vay gần 2 tỷ đồng, tiền thu lợi bất chính hơn 360 triệu đồng. Lãi suất mà các đối tượng cho vay từ 365% đến 730%/ năm vượt từ 18,25 lần đến 36,5 lần so với mức lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận