Đường bộ

Thêm hơn 50km đường Hồ Chí Minh, miền Tây gần lại

05/03/2024, 08:02

Khi tuyến đường hình thành sẽ kết nối và rút ngắn khoảng cách đi các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa. Đó sẽ là cú hích lớn để địa phương tạo bứt phá.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận dự kiến sẽ chính thức khởi công ngày 6/3. Khi hoàn thành, đưa vào khai thác kỳ vọng sẽ tạo tiền đề quan trọng để các tỉnh miền Tây đón sóng đầu tư, thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Rút ngắn thời gian, rộng đường thông thương

Những ngày đầu tháng 3/2024, anh Nguyễn Văn Thương và hàng nghìn người dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cùng chung niềm vui lớn vì quãng đường đi - đến Kiên Giang chỉ không lâu nữa sẽ được rút ngắn, khi tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận được đầu tư xây dựng.

Thêm hơn 50km đường Hồ Chí Minh, miền Tây gần lại- Ảnh 1.

Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư tuyến Rạch Sỏi - Bến Nhất) khảo sát thực địa tại xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, Kiên Giang. Ảnh: Hồ Hùng.

"Trước đây, từ Rạch Sỏi (TP Rạch Giá, Kiên Giang) đến huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) phải đi qua hai phà Cầu Đỏ và Vĩnh Tuy mất hơn 3 giờ. Đường nhỏ hẹp, xe tải lớn không lưu thông được, việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn", anh Dân kể.

Ông Trần Hoàng Tám, ở xã Định An, huyện Gò Quao cho biết, Gò Quao là huyện vùng sâu, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, nông dân thường vận chuyển nông sản bằng xuồng, ghe, rất mất thời gian.

Bởi vậy, khi đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận được đầu tư xây dựng sẽ mở ra cơ hội lớn để tôm, lúa, đặc biệt là trái khóm Gò Quao nổi tiếng đi xa hơn đến các vùng miền.

Tương tự, ông Lê Văn Đủ, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tại, từ huyện đi trung tâm thành phố khá xa (gần 100km), đường nhỏ hẹp, xuống cấp. Tiềm năng của huyện rất lớn nhưng chưa thu hút được các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Người dân thiếu công ăn việc làm, phải đến Bình Dương, TP.HCM hoặc các tỉnh khác làm thuê khi hết mùa vụ.

"Khi tuyến đường hình thành sẽ kết nối và rút ngắn khoảng cách đi các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa. Đó sẽ là cú hích lớn để địa phương tạo bứt phá", ông Đủ chia sẻ.

Thay đổi cách thức GPMB để rút ngắn tiến độ

Lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận được Thủ tướng chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 255 ngày 17/3/2023.

Tháng 2/2024, chỉ sau 11 tháng kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thực hiện xong lựa chọn nhà thầu, phối hợp với địa phương bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận có tổng chiều dài 51,94km, đoạn qua Bạc Liêu 6,6km.

Trong đó, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất có chiều dài hơn 11km. Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận có chiều dài gần 41km.

Giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô hai làn xe, với bề rộng nền đường 12m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Toàn tuyến xây dựng mới 25 cầu, tận dụng 6 cầu trên đường hiện hữu.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.904 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Thời gian xây dựng khoảng 700 ngày.

Theo khung chính sách được Thủ tướng phê duyệt, tổng diện tích GPMB phục vụ thi công dự án khoảng hơn 1,1 triệu m2. Trong đó, đất ở khoảng hơn 35.800m2, đất nông nghiệp hơn 850.800m2, đất giao thông, thủy lợi, sông suối gần 230.000m2…

Thông thường với các dự án trước khi triển khai thi công khoảng 6 tháng đến 1 năm, các địa phương sẽ bàn giao 30-70% mặt bằng.

Với dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, do được bổ sung sau trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, cuối tháng 12/2023, dự án mới được bố trí vốn, công tác GPMB mới đủ điều kiện để triển khai.

"Chúng tôi nhận định, công tác bàn giao mặt bằng cho dự án sẽ chậm hơn các dự án cao tốc triển khai trong giai đoạn vừa qua. Việc GPMB sẽ triển khai song song với triển khai thi công trên tuyến", lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết.

Cụ thể, đơn vị đã làm việc với địa phương và thống nhất phương án, đối với các đoạn đi trùng QL61 đã được GPMB trước đây, các đoạn vào khu vực đất công, sẽ bàn giao mặt bằng trước cùng với các cầu không vướng mặt bằng.

Các vị trí qua đồng ruộng (chiếm phần lớn tuyến), địa phương sẽ tiến hành đo đạc, áp giá. Trong thời gian hoàn thiện phê duyệt phương án theo quy định, nhà thầu sẽ ứng trước vốn để chi trả một phần để các hộ dân bàn giao mặt bằng.

Sau khi phương án bồi thường GPMB được phê duyệt, địa phương sẽ thu hồi kinh phí để hoàn trả cho nhà thầu. Theo tính toán, các đoạn phải xử lý đất yếu tại dự án kéo dài trên gần 35km, chiếm gần 67% chiều dài dự án với thời gian gia tải từ 10,5 - 12,5 tháng.

Để đảm bảo tiến độ, mặt bằng tại các vị trí xử lý đất yếu cần được bàn giao trước 30/4/2024.

"Về tổng thể, địa phương cần bàn giao 70% mặt bằng trước 15/4/2024 và bàn giao mặt bằng sạch trước 30/10/2024 thì dự án mới cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025 theo đúng tinh thần của Nghị quyết Quốc hội", lãnh đạo đơn vị QLDA nói.

Đảm bảo đủ vật liệu thi công

Ông Lê Văn Đủ, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Vĩnh Thuận có chiều dài hơn 12km, kết nối QL63 hiện hữu đi tỉnh Cà Mau.

"Huyện đã lấy ý kiến và đã được sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhiều hộ dân. Dự kiến đến tháng 6/2024, chúng tôi sẽ cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư", ông Đủ thông tin.

Theo ông Trang Hồng Nghĩa, Phó chủ tịch UBND huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, đoạn tuyến qua địa bàn huyện có chiều dài gần 22km, tổng diện tích đất bị thu hồi hơn 463.000m2.

Hiện tại, huyện đang lập phương án đền bù theo trình tự thủ tục và xin ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh về các thủ tục chỉ định đấu thầu các công trình trên 500 triệu đồng.

"Chúng tôi quyết tâm giao mặt bằng sớm trong năm 2024", ông Nghĩa nói.

Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho rằng, bên cạnh việc ưu tiên GPMB ở các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu, nguồn vật liệu thi công cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo tiến độ dự án.

"Kiên Giang và Bạc Liêu không phải là các tỉnh có nguồn cát dồi dào. Tuy nhiên, lợi thế của dự án là đã được Quốc hội đưa vào danh mục được áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù.

Ngay sau khi lựa chọn xong nhà thầu, chủ đầu tư cần phối hợp với đơn vị thi công tìm kiếm nguồn cát, triển khai các thủ tục xin cấp phép, giao mỏ cho nhà thầu. Trong đó, tìm thêm cả các nguồn vật liệu hợp pháp, gồm cả nguồn mua từ các mỏ thương mại", ông Minh lưu ý.

Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, khối lượng vật liệu đất phục vụ thi công dự án cần khoảng 364.000m3 đất, 329.842m3 đá và hơn 2,1 triệu m3 cát.

Qua khảo sát, vật liệu đất, đá thời điểm hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu. Riêng khối lượng cát đắp nền và xử lý đất yếu, hiện nhà thầu đã có khoảng 300.000m3 có thể cung cấp ngay cho dự án, đáp ứng hơn 14% nhu cầu.

Đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu cát đắp nền, dự kiến cần khoảng 3 - 4 mỏ cát theo cơ chế đặc thù được các tỉnh trong khu vực cấp phép trước 30/5/2024. Khối lượng cát cần có đủ cho dự án trước 30/12/2024 để triển khai tất cả các hạng mục.

Ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT):

Tiền đề quan trọng hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây

Một trong những mục tiêu trong đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là kết nối các tuyến đường hiện hữu, chỉnh tuyến, cải tạo các đoạn cần thiết.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận được đầu tư xây dựng lần này sẽ tăng cường kết nối giữa QL61 và QL63 với chất lượng hạ tầng tốt hơn, cơ bản bám theo tiêu chuẩn đường cao tốc (về mặt hình học).

Mặt khác, đường Hồ Chí Minh thường được gọi là trục xuyên Việt thứ hai. Việc đầu tư hoàn thiện các đoạn tuyến, trong đó có Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận sẽ góp phần tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cấp mở rộng thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây sau này khi có điều kiện.

Đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh được khởi công năm 2000, tổng chiều dài 2.744km. Đến nay, đã hoàn thành 2.488km (đạt hơn 90%) và khoảng 258km tuyến nhánh.

Với 256km còn lại thuộc 5 dự án thành phần đang triển khai gồm: đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (dài gần 29km); đoạn Hòa Liên - Túy Loan (dài 11,5km); đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài gần 73km); Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (dài gần 52km); đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (đang nghiên cứu với chiều dài hơn 87km).

Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai dự án, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 cho phép đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng QL32 và QL21


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.