Quy định nâng tốc độ lưu thông tăng 10km/h tại Thông tư 91 của Bộ GTVT được đánh giá cao tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực vận tải (Trong ảnh: Đường Võ Văn Kiệt, TP.HCM) - Ảnh: Linh Hoàng |
Kết quả bình chọn những văn bản pháp luật tốt và chưa tốt nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 28/2 không nhiều bất ngờ, song cũng gây “giật mình” cho không ít cơ quan ban hành chính sách.
Nói không nhiều bất ngờ là bởi nhiều quy định bị rơi vào nhóm chưa tốt, trước đó đã vấp phải phản ứng của doanh nghiệp, người dân, như đề xuất yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô, theo Thông tư 57/2015 của Bộ Công an; Hay qui định thay đổi trụ sở phải thay đổi tên gọi của văn phòng.
Dù đã mở rộng tới 30 văn bản tốt và chưa tốt thay vì chỉ 10 như dự kiến; Đồng thời, không xếp thứ tự theo số lượng bình chọn, song đại diện VCCI cũng thừa nhận chịu không ít áp lực trong quá trình triển khai. Quả thực, công khai thừa nhận văn bản pháp lý của mình kém chất lượng không phải là việc dễ dàng với nhiều cơ quan quản lý. Song bên cạnh đó, một số bộ, ngành cũng đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, thậm chí dừng hoặc bãi bỏ những điểm chưa hợp lý, tác động thiếu tích cực đến môi trường kinh doanh. Và đây chính là mong muốn lớn nhất, không chỉ của cơ quan khởi xướng, tổ chức thực hiện cuộc bình chọn này mà còn là của cả cộng đồng.
Cùng với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng với các bộ, ngành (MEI), cuộc bình chọn này của VCCI góp thêm một công cụ giám sát hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền. Dù mới khởi xướng một năm, nhưng kết quả bước đầu cho thấy, cuộc bình chọn đã góp thêm một áp lực để các chính sách được ban hành thận trọng hơn, chất lượng hơn. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh “chất lượng văn bản pháp luật của Việt Nam cơ bản tồi, tìm kiếm 10 cái tốt nhất quá khó, cái tồi nhiều hơn” như nhận xét của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.
Thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh nội lực như quản trị, điều hành; chất lượng, giá cả hàng hóa; kỹ năng tiếp thị, bán hàng… thì thể chế, môi trường kinh doanh - quyết định bởi chất lượng chính sách, văn bản pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí có thể quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, cùng với việc cơ quan quản lý phải nâng cao chất lượng quản lý, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động phản hồi những quy định bất hợp lý, kiến nghị sửa đổi, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
Hoạt động này cũng đã được một số doanh nghiệp thực hiện, song vẫn chưa chủ động và còn đơn lẻ. Và cuộc bình chọn này nếu được tổ chức bài bản, thường xuyên, sẽ trở thành kênh phản biện có sức nặng. Nói như ông Nguyễn Đình Cung - người có vai trò tích cực trong nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thống chính sách phục vụ doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân phải coi chính sách là một sản phẩm mà mình là khách hàng. Nếu chưa hài lòng về sản phẩm, phải chủ động đòi hỏi, gây sức ép để cơ quan công quyền thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Tuy nhiên, để cuộc bình chọn góp phần tạo thêm động lực cải cách, cách thức thực hiện cũng cần minh bạch hơn, quyết liệt hơn. Chẳng hạn, nên tập trung bình chọn những quy định chưa tốt, xếp hạng theo theo thang điểm như với chỉ số PCI. Nhiều địa phương đã coi PCI là một trong những thước đo để hành động cụ thể và quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh như: Đà Nẵng, Hà Nội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận