Ca mắc mới Covid-19 nằm trong dự liệu
Trong những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện những ca nhiễm ngoài cộng đồng và ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây tại quận Long Biên.
Từ ca cụ bà 84 tuổi, trú tại ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng, thường xuyên ở nhà, xuất hiện khó thở, sốt và ho nên đến thăm khám và phát hiện dương tính tại BV ĐK Đức Giang, đã lần ra ổ dịch mới.
Nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội
Các ca được phát hiện qua truy vết có 10 người trú tại Kim Quan, phường Việt Hưng; 2 người tại ngách 15, ngõ 68, phường Ngọc Thụy và 1 trường hợp tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm do làm cùng nhà máy xe lửa Gia Lâm với F0...
Việc xuất hiện ổ dịch mới tại cộng đồng, khiến nhiều người lo lắng liệu Hà Nội có tiếp tục giãn cách sau ngày 21/9 hay không?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: "Việc xuất hiện ca mắc ngoài cộng đồng tại Hà Nội là nằm trong dự liệu bởi hiện nay không thể loại bỏ triệt để được F0. Do vậy quan trọng nhất là phát hiện sớm, cách ly, truy vết và khoanh vùng diện hẹp".
Không ảnh hưởng tới lộ trình nới giãn cách của Hà Nội
Theo ông Phu, việc phát hiện ca nhiễm mới, khoanh vùng kịp thời không ảnh hưởng tới lộ trình nới lỏng giãn cách của Hà Nội.
Hà Nội cũng tiến tới loại bỏ phong tỏa khoanh vùng diện rộng theo quận, huyện hay khu phố mà khoanh hẹp theo ổ dịch. Đồng thời, đẩy mạnh xét nghiệm với đối tượng nguy cơ cao (những người tiếp xúc rộng như người bán hàng, shipper…), và khu vực nguy cơ cao (xuất hiện ca F0).
Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ cũng cho rằng, Hà Nội nên phong tỏa, giãn cách theo quy mô hẹp là các ổ dịch. Trong khu vực này, ngành y tế quét sạch F0 nhiều vòng với tần suất 48h/lượt. Việc bóc tách F0 cần linh động, có thể cách ly F0, F1 tại nhà nếu đủ điều kiện theo quy định của ngành hoặc đưa đến khu cách ly tập trung.
Theo ông Phu, việc nới lỏng giãn cách cần căn cứ trên các tiêu chí như số ca mắc, số giường điều trị không quá tải, số lượng tiêm vaccine, và nhu cầu về an ninh xã hội, phát triển kinh tế...
Về lộ trình nới lỏng, ông Nhung khuyến cáo nên mở các hoạt động thiết yếu trước, ưu tiên mở các hoạt động ngoài trời sau đó đến hoạt động trong nhà, từ quy mô hoạt động nhỏ đến quy mô lớn. Trong giai đoạn này, phải đánh giá được nguy cơ khu vực, xét nghiệm kịp thời, tốc độ xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan...
Được biết, kết luận buổi giao ban ngày 19/9, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu, sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Theo thống kê của Hà Nội, trong đợt đầu giãn cách xã hội (bắt đầu từ ngày 24/7), trung bình thành phố ghi nhận có 71,2 ca mắc mới/ngày; đến ngày 19/9, còn khoảng dưới 15 ca/ngày.
Đến ngày 15/9, Hà Nội đạt trên 93% tiêm mũi một vaccine Covid-19; gần 70% toàn dân số đã được tiêm vaccine. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai, bảo đảm sẽ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành dự kiến trong tháng 11/2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận