Bamboo Airways tin tưởng mẫu A321NEO là sự lựa chọn tối ưu cho hoạt động của hãng |
“Rộng cửa” nhờ Quy hoạch 236
Những câu hỏi liên quan đến thị trường hàng không cũng như kế hoạch bay của tân binh Bamboo Airways càng trở lên “nóng” hơn bao giờ hết khi Biên bản thỏa thuận mua 24 máy bay Airbus A321 NEO phục vụ hãng hàng không này được Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết ký kết với đại diện Tập đoàn Airbus dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy.
Khẳng định Bamboo Airways tin tưởng mẫu A321NEO là sự lựa chọn tối ưu cho hoạt động của hãng bởi sự thoải mái, hiệu năng và sức chứa phù hợp với nhu cầu của thị trường du lịch Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết một lần nữa có ý tái khẳng định mạng lưới đường bay nội địa của Bamboo Airways sẽ hướng đến các điểm du lịch có khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC.
Theo kế hoạch, nếu được cấp phép, Tập đoàn FLC dự kiến sẽ khai thác 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế nối Việt Nam với một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… đến năm 2023.
Trao đổi với phóng viên, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết: Bamboo Airways hiện vẫn đang trong quá trình chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ dự án vận tải Hàng không Tre Việt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, trước khi chuyển sang bước quan trọng tiếp theo là xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định tại Nghị định 92 về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không.
Đáng chú ý, theo ông Cường, cơ hội bay của Bamboo Airways đã “sáng sủa” hơn rất nhiều sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, một trong các yêu cầu là dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.
Căn cứ theo Quyết định 236 của Thủ tướng, đến năm 2020, số lượng tàu bay khai thác đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc. Trong khi đó, số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tính đến hết ngày 15/3, lượng tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam mới dừng lại ở con số 175 chiếc.
Với tốc độ phát triển đội tàu bay như hiện nay, cơ hội bay của Bamboo Airways là khá tích cực. Nói cách khác, hãng hàng không của Tập đoàn FLC về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu “phù hợp với quy hoạch phát triển ngành”.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết (trái) và Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz (phải) ký kết hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay A321NEO cho Bamboo Airways |
Thêm cơ hội bay giá hợp lý
Câu hỏi đặt ra là nếu dự án bay của Tập đoàn FLC được phê duyệt, Bamboo Airways được cấp phép kinh doanh vận tải hàng không, bức tranh thị trường sẽ có những sự biến động gì?
Theo các chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực này, sẽ khó có sự đột phá trong cơ cấu thị trường, ít nhất trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Trên thực tế, bản thân Tập đoàn FLC cũng nhìn nhận rõ điều này khi đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không, một tỷ lệ chưa phải quá lớn.
Và dù khó có thay đổi đột phá trong cơ cấu thị trường, nhưng quan điểm được nhiều bên liên quan thống nhất là hành khách sẽ được hưởng lợi đầu tiên về chất lượng dịch vụ và giá vé.
Theo ông Đặng Tất Thắng - Phó Tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc Bamboo Airways, đây sẽ là hãng hàng không “hybrid” lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách. Bamboo Airways vẫn cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống, nhưng với giá cả hợp lý.
“Trường hợp Bamboo Airways đủ điều kiện gia nhập thị trường hàng không, khách hàng chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ”, ông Cường nói.
Vị Phó Cục trưởng cho rằng việc có thêm hãng hàng không mới tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không sẽ tạo điều kiện cho hành khách có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng phân khúc, tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Phía các chuyên gia hàng không cũng cho rằng hiện có rất nhiều kiến nghị từ các địa phương có cảng hàng không về việc mở thêm những đường bay mới hoặc tăng tần suất chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như phát triển kinh tế - du lịch. Sự ra đời của Bamboo Airways cũng góp phần giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu này.
Bamboo Airways sẽ tập trung tuyến bay quốc tế nối các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Philippines… đến các điểm du lịch tại Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Trong dài hạn sẽ mở rộng tuyến tới Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như: đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn.... Việc này sẽ giảm áp lực hạ tầng cho hai sân bay Nội bài và Tân Sơn Nhất. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận