Hạ tầng

Thênh thang trên đại lộ xuyên Đồng Tháp Mười

21/03/2018, 05:58

Cầu Cao Lãnh cùng với tuyến nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống dự kiến sẽ thông xe vào tháng 4/2018.

1

Cầu Cao Lãnh đã hoàn thành và chờ ngày chính thức thông xe. Ảnh: Phan Tư

 Gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng

Những ngày trung tuần tháng 3, khi chúng tôi đến dự án cầu Cao Lãnh, ở chính giữa thượng nguồn sông Tiền đã sừng sững một chiếc cầu vững chãi với hai trụ tháp chính hình chữ H cao 123,4m. Nhìn từ xa cầu Cao Lãnh khá thanh nhưng khi đến gần mới thấy được sự bề thế của một trong những cây cầu dây văng lớn ở vùng ĐBSCL. Thỉnh thoảng ở dưới sông những chiếc tàu du lịch với sức chở hơn 1.000 du khách từ Campuchia xuôi sông Tiền đang hướng về Mỹ Tho.

Ông Phan Duy Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long, cho biết cầu Cao Lãnh đã hoàn thành tất cả các hạng mục, bảng tên cầu cũng đã được gắn ở hai đầu cầu và đã thảm xong toàn bộ bê tông nhựa tuyến chính, hiện đang lắp đặt hệ thống an toàn giao thông. Ngay ở hai trụ tháp chính có gắn bảng ghi thông tin về chiều dài cầu, năm khởi công, hoàn thành và đơn vị tài trợ. Do chưa được đưa vào khai thác nên hiện hai đầu cầu đang được rào chắn, có công nhân bảo vệ túc trực để không cho người bên ngoài đi lên cầu.

IMG_3139

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (người đội mũ xanh) cùng lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long đi kiểm tra những hạng mục thi công cuối của tuyến nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống. Ảnh: Phan Tư

Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê kông có 3 dự án thành phần gồm: cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối giữa hai cây cầu này. Đến nay, cầu Cao Lãnh và tuyến nối hai cầu đã cơ bản hoàn thiện. Một tuyến đường rộng bề thế với mỗi bên 4 làn ô tô, 2 làn xe hỗn hợp chạy xuyên qua Đồng Tháp Mười. Từ Quốc lộ 30 nếu theo đường hiện hữu phải qua phà Cao Lãnh, đi đường tỉnh 849 mới đến phà Vàm Cống để qua Long Xuyên. Nhưng khi tuyến đường này thông xe, nút giao với Quốc lộ 30, người dân có thể chạy một mạch với chiều dài 25km qua cầu Cao Lãnh, qua địa phần huyện Lấp Vò, tiếp tục chạy vượt qua điểm giao với Quốc lộ 80 để đến điểm giao với Quốc lộ 54 tại cầu Vàm Cống phía bờ Đồng Tháp, sau đó rẽ phải để qua Long Xuyên dễ dàng, rút ngắn cả chục kilômét so với đường cũ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong chuyến kiểm tra tiến độ dự án và giải quyết những vướng mắc còn lại trong công tác GPMB mới đây đã không khỏi phấn chấn khi nhìn thấy một đại lộ xuyên Đồng Tháp Mười sắp được đưa vào sử dụng. “Đi trên đại lộ xuyên Đồng Tháp Mười với điểm nhấn là cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống bản thân tôi cảm thấy rất phấn chấn. Người dân Đồng Tháp rất hào hứng chờ đợi ngày tuyến đường này được thông xe, chắc chắn đó sẽ là ngày hội của người dân vùng ĐBSCL”, ông Hùng nói.

Sức bật cho ĐBSCL

Nhà ở ngay nút giao giữa Quốc lộ 30 với tuyến đường dẫn lên cầu Cao Lãnh, ông Trịnh Văn Chói cho biết, bản thân ông và người dân ở đây đang mong chờ từng ngày để nhìn thấy được cây cầu Cao Lãnh hoành tráng như thế nào. “Trong quá trình xây cầu cũng có ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhưng vì sự phát triển của toàn vùng, bà con ở đây chấp nhận một ít thiệt thòi cho mình. Có cầu Cao Lãnh là niềm mơ ước hằng bao đời nay của người dân Đồng Tháp Mười. Ngày khánh thành tôi sẽ đi bộ lên cầu để ngắm sông nước đồng quê”, ông Chói chia sẻ.

2

Thảm nhựa gói thầu cuối cùng của tuyến nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống. Ảnh: Phan Tư

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu lãnh đạo TP Cao Lãnh, huyện Lấp Vò phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Cửu Long, nhà thầu, vận động người dân giải quyết các vướng mắc còn lại về mặt bằng để đơn vị thi công hoàn tất các hạng mục cuối cùng của dự án.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, đón đầu sự phát triển của hạ tầng giao thông khi có cầu Cao Lãnh, Vàm Cống và tuyến đại lộ xuyên Đồng Tháp Mười, địa phương đã tổ chức nhiều hội thảo kêu gọi đầu tư. “Chúng tôi đang quy hoạch khu công nghệ cao gần khu vực nút giao Tân Mỹ với quy mô từ 300ha-500ha. Đã có nhà đầu tư quan tâm đi khảo sát đề xây dựng nhà máy chế biến các mặt hàng nông thủy sản, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó sẽ phát triển kinh tế theo hướng kết nối đô thị từ TP Cao Lãnh đến huyện Lấp Vò, kết nối các điểm du lịch trên tuyến với nhau để tạo sức bật cho phát triển kinh tế địa phương và trong vùng ĐBSCL”, ông Hùng nói.

IMG_3156

Cầu Cao Lãnh thông xe sẽ tạo sức bật trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Ảnh: Phan Tư

Cầu Cao Lãnh nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8km về phía hạ lưu, cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu. Cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài 2.015,7m, gồm phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, có khẩu độ nhịp chính dài 350m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150m, quy mô mặt cắt ngang cầu là 24,5m. Đây là cây cầu dây văng thứ 2 (sau cầu Mỹ Thuận) bắc qua sông Tiền. Dự án có tổng mức đầu tư 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỷ đồng), từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.