Cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến cao tốc kết nối Đông Nam bộ với Tây Nam bộ nhiều lần trễ hẹn ngày về đích. (Trong ảnh một góc công trường cao tốc đoạn qua huyện Long Thành, Đồng Nai).
Ăn ngủ ngay trên công trường
Theo ghi nhận của PV các gói thầu A5, A6, A7 đoạn qua Đồng Nai đã thành hình hài, những trụ cầu mọc lên băng qua khu vực rừng sú vẹt xanh ngát. Hạng mục khó khăn nhất trước đây là thi công trụ cầu trên sông Thị Vải, cầu cạn qua những khu vực sình lầy đã thi công xong.
Trên công trường nhà thầu đang thi công hạng mục gác dầm bê tông cầu cạn. Tuy nhiên hiện nay do thiếu vốn giải ngân nên công tác thi công đang đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ.
Theo Ban điều hành gói thầu A7, từ đầu năm 2021 đến nay khối lượng thi công đang chậm. Tiến độ thi công đạt gần 50%, hiện đang thi công gác dầm cầu cạn. Đến nay mặt bằng vẫn còn 6 hộ chưa bàn giao đất nên chưa thể thi công nút giao QL51. Một khó khăn khác đó là nguồn vốn, cần được giải ngân kịp thời để nhà thầu tăng tốc thi công.
Do công trường nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai và TP.HCM là vùng đang có dịch nên công tác phòng chống dịch Covid-19 không được lơ là phải thực hiện giãn cách khi thi công. “Khi đến công trường anh em công nhân đều phải tuân thủ quy định của ngành Y tế. Ăn ngủ luôn trên công trường hạn chế tối đa việc đi lại để phòng dịch Covid-19”, một công nhân chia sẻ.
Ông Nguyễn Thiện Đạt - Giám đốc phụ trách thi công gói thầu A7 cho biết, hiện trên công trường chúng tôi bố trí nhiều mũi thi công gác dầm để kịp tiến độ.
Nhiều mũi thi công như đúc và lao lắp dầm Super T, một mũi thi công cầu Rạch Ngoài, 2 mũi thi công bản mặt cầu, 2 mũi thi công các trụ dưới nước và 2 mũi thi công đường chính.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dù tiến độ gấp rút nhưng phải đảm bảo vừa thi công vừa phòng chống dịch.
Ngoài nỗ lực đảm bảo yêu cầu 5K của Chính phủ chúng tôi quán triệt việc thi công và sinh hoạt sau giờ làm việc đều phải tại chỗ. Yêu cầu công nhân sau giờ làm việc về nghỉ ngơi ăn uống sinh hoạt tại các lán trại, hạn chế tối đa di chuyển ra khỏi phạm vi công trường.
“Để tăng gia sản xuất chúng tôi tận dụng các khoảnh đất trống trồng rau xanh, nuôi gà vịt để hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Do vậy mỗi sáng đầu bếp chỉ cần đi chợ mua các nhu yếu phẩm cần thiết nấu ăn phục vụ công nhân”, ông Đạt nói.
Các trụ cầu gói thầu A7 đã thi công xong chờ gác dầm cầu.
Sớm gỡ vướng nguồn vốn để tăng tốc thi công
Đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) cho biết, hiện các gói thầu nhánh phía Tây đoạn qua TP.HCM, Long An đã tạm dừng thi công. Riêng các gói thầu địa phận tỉnh Đồng Nai đang thi công cầm chừng. Để đảm bảo phòng dịch Covid-19 chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu đảm bảo vừa thi công phải tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Ngoài ra hiện trên tuyến vẫn còn vướng mặt bằng 17 hộ ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), 6 hộ đoạn nút giao QL51 (huyện Long Thành, Đồng Nai). Theo tiến độ điều chỉnh, các gói thầu được gia hạn đến cuối năm 2023, nhưng đến nay nguồn vốn và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước chưa được khơi thông.
Dự án đang gặp khó khăn về vốn vay và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước vẫn chưa tìm đước lối ra. Nguy cơ chậm tiến độ là rất lớn ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn cho nhà thầu. Hiện nay một số nhà thầu đã gửi đơn khiếu nại và đề nghị thanh toán khối lượng đã thi công xong. Chủ đầu tư đã kiến nghị nhiều lần với Bộ Tài chính, các Bộ ngành liên quan nhưng việc giải quyết thủ tục giải quyết nguồn vốn vẫn vẫn chưa xong.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam. Tuyến cao tốc này có chiều dài hơn 57km đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD).
Dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp) làm chủ đầu tư. Dự kiến hoàn thành năm 2019, đến nay do khó khăn về nguồn vốn và mặt bằng thi công nên tiếp tục giãn tiến độ hoàn thành sang năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận