Cầu Ghềnh mới đã nối thông đôi bờ sông Đồng Nai cho những chuyến tàu đi qua - Ảnh: Vĩnh Phú |
Chỉ sau 3 tháng, cầu Ghềnh mới đã cơ bản hoàn thành, nối thông đường sắt Bắc - Nam sau một thời gian dài đứt mạch. Đây là tiến độ được coi là nhanh kỷ lục đối với công trình cầu có quy mô tương tự từ trước đến nay.
Họp bàn phương án ngay trên sà lan
Chiều 27/6 có mặt tại công trường cầu Ghềnh mới, PV Báo Giao thông đã chứng kiến đoàn tàu hàng lưu thông qua đây. Mấy hôm nay, khu vực thi công cầu Ghềnh trời đổ mưa khá to, nhưng trên công trường anh em công nhân vẫn đang làm việc ngày đêm để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng như: Phần đường dẫn, thiết bị thông tin đường sắt.
Chia sẻ về công tác thi công, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó TGĐ Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1 - đơn vị phụ trách trục vớt và thi công cầu Ghềnh mới) cho biết, sau khi nhận lệnh của Bộ GTVT, CIENCO1 đã gấp rút huy động nhân lực, những thợ cầu có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực cầu đường sắt từ mọi miền đất nước được huy động đến công trường làm nhiệm vụ. Cùng đó, đơn vị thi công phải chuẩn bị các phương án vừa thiết kế, vừa thi công.
"Nhờ làm chủ công nghệ nên thời gian thi công cầu đã giảm 1/3 so với vài năm trước đây. Điển hình nhất cho điều này chính là việc chỉ trong 3 tháng đã thi công xây dựng xong cầu Ghềnh mới, trong khi bình thường phải mất hàng năm trời”. PGS. TS. Hoàng Hà |
“Chúng tôi phải huy động 60 thợ có nhiều kinh nghiệm thực hiện công tác trục vớt làm việc liên tục 3 ca. Khi gặp vướng mắc chúng tôi hội ý, họp bàn phương án ngay trên sà lan để cập nhật và có phương án điều chỉnh kịp thời”, ông Thắng chia sẻ.
Chia sẻ thêm về những giải pháp kỹ thuật trong quá trình thi công cầu Ghềnh, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Ghềnh cho biết, đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt. Trong đó có thể kể đến việc sử dụng cầu phao làm cầu tạm cấp bê tông, đồng thời làm mặt bằng thi công trụ T2. Do địa chất bờ Nam rất cứng nên không đóng được cầu tạm cấp bê tông. Vì vậy, Ban điều hành đã chỉ đạo chuyển sang phương án dùng 2 sà lan neo làm cầu tạm vừa rút ngắn được tiến độ thi công đồng thời có mặt bằng triển khai thi công trụ T2.
Về phương án thi công lao dàn thép, một trong những công đoạn khó khăn nhất, ông Nam cho biết, ban đầu phương án chủ đầu tư đưa ra là dùng hệ 2 sà lan gông vào nhau và chở cao hệ dàn thép 300 tấn, sau đó lợi dụng con nước chở ra gác vào vị trí. Tuy nhiên, phương án thi công này không được Bộ GTVT đồng ý vì không đảm bảo an toàn, gặp nhiều rủi ro trong quá trình thi công.
“Từ thành công của dự án cầu Đông Trù (Hà Nội), Ban điều hành dự án cầu Ghềnh cùng các đơn vị lập phương án lao dàn thép đã dùng sà lan 1.890 tấn có kích thước vừa đủ so với lòng sông tại vị trí lắp dàn chở dầm từ cầu cảng ra gác lên hệ trụ tạm. Sau đó, dùng 4 kích đa hành trình nhấc giàn thép đặt vào vị trí. Phương án này vừa đảm bảo an toàn vừa đáp ứng được tiến độ”, ông Nam nói.
Bình thường phải làm từ 24-36 tháng
Trao đổi với Báo Giao thông về công tác khắc phục sự cố cầu Ghềnh, ông Đặng Trung Thành, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho rằng, đây là công trình khẩn cấp, liên quan đến phát triển kinh tế của vùng. Vì thế, ngay sau khi sự cố xảy ra, những đơn vị thi công mạnh nhất của Bộ GTVT đã được huy động đến công trường làm việc 24/24h. Công trình cũng nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng.
“Ngoài ý nghĩa khôi phục giao thông đường sắt, cầu Ghềnh mới với tĩnh không thông thuyền nâng cao đã đáp ứng được giao thông thủy khu vực sông Đồng Nai qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM”, ông Thành nói.
Dự án khôi phục cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ gồm 2 hạng mục là xây dựng công trình chính và các hạng mục công trình thi công đồng bộ. Tổng kinh phí toàn bộ dự án khoảng 300 tỷ đồng được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2016. Về tiến độ, ban đầu, công trình dự kiến hoàn thành ngày 15/7. Tuy nhiên, các đơn vị thi công đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực nỗ lực đưa công trình về đích sớm. |
Cũng theo ông Đặng Trung Thành trong quá trình xây dựng Cục QLXD&CLCTGT thường xuyên cử cán bộ túc trực giám sát tổng hợp nắm bắt tình hình tham mưu kịp thời để lãnh đạo Bộ chỉ đạo. “Nếu không thi công theo lệnh khẩn cấp của trình tự xây dựng cơ bản, công trình cầu Ghềnh mới phải thực hiện trong khoảng thời gian từ 24 - 36 tháng. Thế nhưng, công trình này chỉ làm hơn 3 tháng. Trong quá trình thi công, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng. Việc sản xuất dầm thép công nghệ lớn được thực hiện nhanh, vượt tiến độ”, ông Thành nói.
Ông Đới Sỹ Hưng, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để công trình về đích trước 20 ngày, các đơn vị tham gia thi công đã nỗ lực, tập trung tối đa nhân, vật lực cho công trình. Việc thi công cầu được thực hiện theo phương án vừa thiết kế, vừa thi công. Ban chỉ đạo công trình do trực tiếp lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN và các đơn vị thường trực ngay tại hiện trường để có thể kịp thời giải quyết, xử lý luôn các khó khăn, vướng mắc. Các phần việc được tiến hành đồng thời như: Thi công tại hiện trường; Sản xuất 3 nhịp dàn thép tại 3 nhà máy ở ba nơi: Huế, Đà Nẵng, Bình Dương… Các nhà thầu cũng tập trung nhiều mũi thi công đồng thời cùng lúc nhiều hạng mục như mố, trụ cầu…
Đặc biệt, mặc dù công trình về đích trước 20 ngày nhưng không đội vốn, vẫn đảm bảo trong vốn đầu tư cho công trình.
Ông Hưng cũng cho biết, đến sáng 28/6 trả tốc độ tàu qua cầu 30km/h và đến khi hoàn thành các phần việc còn lại như: Hệ thống điện, đường và lan can dành cho bộ hành và xe thô sơ, đường dẫn lên đường dành cho xe thô sơ… kịp trước ngày khánh thành, dự kiến 2/7, sẽ trả tốc độ bình thường theo tốc độ khu gian.
Khách đi tàu tăng mạnh
Theo Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn (CNVTĐSSG), sau khi thông cầu Ghềnh, ngày 25/6 có 8 đôi tàu qua lại hai chiều, từ ngày 26 - 29/6 có 13 đôi/ngày và từ 30/6 trở đi sẽ có 13 đôi tàu vào Nam, ra Bắc. Riêng tuyến Sài Gòn - Nha Trang và Sài Gòn - Phan Thiết, Công ty CP Vận tải ĐS Sài Gòn đã tăng cường 2 đôi tàu SNT 3/4 và SPT 3/4 chạy vào các buổi tối.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc CNVTĐSSG cho hay, hiện nay, mỗi ngày có trên 8.000 hành khách đi tàu (hai chiều Bắc - Nam và ngược lại). Trong khi đó, vào hai ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách tăng vọt lên từ 14.000 - 16.000 lượt (tăng gần 200% so với thời điểm chưa thông cầu Ghềnh).
Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt cho biết, sau khi thử tải thành công, chính thức thông cầu, tính đến 18h ngày 27/6, đã có 62 đoàn tàu khách và 20 đoàn tàu hàng qua cầu Ghềnh mới an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận