Quản lý

Thi công làm nứt nhà dân, nhà thầu phải bỏ tiền bồi thường

15/08/2018, 07:18

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, công tác đền bù, chi trả cho các hộ dân bị nứt nhà nằm ngoài phạm vi...

3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp chiều 14/8

Chiều qua (14/8), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về giải quyết tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, nhất là công tác đền bù trong quá trình thi công gây nứt nhà dân nằm ngoài phạm vi GPMB của các dự án.

27 dự án hoàn thành chi trả đền bù cho dân

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, trong số 56 dự án và 1 tiểu dự án thuộc dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã hoàn thành, có 38 dự án và 1 tiểu dự án có kiến nghị, vướng mắc liên quan đến thi công gây nứt nhà dân, công trình công cộng nằm ngoài phạm vi GPMB.

Xử phạt nặng nhà thầu chây ỳ sửa chữa hằn lún

 Liên quan đến tình trạng hằn lún mặt đường tại các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu khắc phục, sửa chữa. Ban QLDA nào làm bầy hầy, không chỉ đạo được các nhà thầu, Bộ GTVT sẽ không giao thêm dự án mới cho ban đó. “Tổng cục Đường bộ VN phải chỉ đạo thanh tra của tổng cục đi kiểm tra, xử phạt nặng đối với dự án trong thời gian còn bảo hành nhưng nhà thầu không sửa chữa, khắc phục hằn lún. Tương tự, các dự án BOT, tổng cục cũng phải chỉ đạo thanh tra đi kiểm tra, dự án nào hư hỏng, để dân phản ánh liên quan đến chất lượng phải dừng hoặc cấm thu phí”, Bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo.

Trên cơ sở thống kê, các chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu thi công đã kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý chi phí đền bù gây nứt nhà dân nằm ngoài phạm vi GPMB đối với 35 dự án. Cụ thể, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 33.331 hộ, tổng kinh phí đền bù nằm ngoài trách nhiệm của bảo hiểm khoảng 153,44 tỷ đồng (15 dự án vốn TPCP QL1: 76,76 tỷ đồng/18.939 hộ; 17 dự án BOT QL1: 75,59 tỷ đồng/11.576 hộ và 3 dự án TPCP đường Hồ Chí Minh: 1,087 tỷ đồng/816 hộ).

“Tuy nhiên, sau khi Chính phủ báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết nêu rõ: Không sử dụng vốn Nhà nước để chi trả bồi thường thiệt hại ngoài trách nhiệm của bảo hiểm”, ông Thành nói và cho biết, tính đến nay, các đơn vị liên quan đã thực hiện chi trả xong kinh phí đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng do nứt nhà của 27 dự án, với tổng số tiền nằm ngoài trách nhiệm của bảo hiểm khoảng 107,26 tỷ đồng, còn lại 8 dự án trên QL1, gồm 6 dự án TPCP và 2 dự án BOT chưa hoàn thành chi trả, với giá trị khoảng 46,22 tỷ đồng.

Khẳng định việc bồi thường, chi trả cho người dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công đối với các dự án đã hoàn thành là bắt buộc phải thực hiện, trách nhiệm bồi thường, chi trả là của chủ đầu tư, ban QLDA, nhà đầu tư và nhà thầu thi công, Cục trưởng Cục  QLXD&CLCTGT kiến nghị, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, ban QLDA căn cứ hợp đồng đã ký kết với nhà thầu, các quy định của pháp luật thống nhất nguồn chi trả phần kinh phí còn lại ngoài trách nhiệm của bảo hiểm sẽ do nhà thầu thi công, nhà đầu tư chịu trách nhiệm và không đưa chi phí này vào quyết toán vốn dự án hoàn thành.

Dứt khoát không để người dân chịu thiệt

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, công tác đền bù, chi trả cho các hộ dân bị nứt nhà nằm ngoài phạm vi đền bù của bảo hiểm do quá trình thi công QL1 và đường Hồ Chí Minh thời gian qua đã có sự chuyển biến, từ số tiền hơn 153 tỷ đồng, nay còn hơn 46 tỷ đồng, nhưng số tiền còn lại vẫn lớn.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết và khẳng định, không dùng vốn Nhà nước để chi trả phần kinh phí này, do đó, Bộ GTVT yêu cầu các Ban QLDA phải có trách nhiệm làm việc với nhà thầu để xem xét từng trường hợp hộ dân bị nứt nhà về phạm vi, vị trí, làm trung gian để nhà thầu đền bù cho dân. Dứt khoát không để người dân chịu thiệt thòi”, Bộ trưởng nói.

“Tất cả các nhà thầu có liên quan phải xem xét để hỗ trợ người dân. Nhà thầu nào không hỗ trợ, các ban QLDA, chủ đầu tư lập danh sách và kiến nghị giải pháp để xử lý căn cơ. Việc chi trả, đền bù cho người dân phải được làm khẩn trương và phải giải quyết dứt điểm trong năm nay. Nếu dự án nào giải quyết không ổn thỏa, để xảy ra tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, giám đốc ban QLDA, chủ đầu tư của dự án đó phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt và cho biết thêm, các nhà đầu tư BOT cũng phải khẩn trương làm việc với các nhà thầu và các bên liên quan để xem xét, giải quyết thấu đáo cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án.

Đối với Cục QLXD& CLCTGT, Bộ trưởng giao cơ quan này nghiên cứu lại định mức đền bù, hỗ trợ nứt nhà dân của ngành Xây dựng. “Nếu định mức quá thấp, còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn phải đề xuất, kiến nghị điều chỉnh”, Bộ trưởng nói và cho biết, trong thời gian quy định của luật hiện hành chưa được điều chỉnh, các cơ quan liên quan cần đưa vào hồ sơ mời thầu một điều khoản nêu rõ: Trong quá trình thực hiện xây dựng, nếu xảy ra tình trạng nứt nhà dân sẽ dùng kinh phí mua bảo hiểm công trình để chi trả, phần vượt so với bảo hiểm chi trả thì nhà thầu thi công gói thầu đó phải chịu trách nhiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.