Các nhà thầu tăng tốc thi công QL14 sau mùa mưa |
Tăng tốc bù tiến độ
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) từ Km1738+148 đến Km 1763+610 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được Bộ GTVT giao cho liên doanh Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức làm nhà đầu tư. Chiều dài dự án khoảng 25,46 km, được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, hai làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 - 80km/h.
Dự án này chính thức khởi công từ tháng 9/2013 và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2014. Tuy nhiên, quá trình thi công, nhà đầu tư Quang Đức đã bộc lộ nhiều yếu kém. Đến hết tháng 7/2014, tiến độ triển khai dự án vẫn rất chậm, giá trị chỉ đạt 8% so với hợp đồng, đạt hơn 30% so với tiến độ yêu cầu. Nếu so với kế hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt, chậm 3,5 tháng.
Hiện tại, gần như toàn tuyến của dự án BOT Quang Đức đã rải đá cấp phối, bắt đầu tháng 11/2014 sẽ tiến hành cán bê tông nhựa. Để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2015, Quang Đức đã chọn bốn nhà thầu trong đó có ba nhà thầu có mỏ đá, và bốn nhà thầu đều có trạm trộn bê tông nhựa đang hoạt động. |
Trước tình hình đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và hỗ trợ nhà đầu tư Quang Đức tìm mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công trình. Theo đó, với hơn 25 km, nhà đầu tư đã chia nhỏ thành 10 gói thầu để các nhà thầu nhanh chóng hoàn thành khối lượng công việc. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng thay đổi hai nhà thầu yếu kém bằng những nhà thầu có kinh nghiệm, đủ năng lực đẩy nhanh dự án.
Ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc Công ty CP BOT Quang Đức cho biết: “Để đẩy nhanh tiến độ, nhất là trong giai đoạn mùa mưa, chúng tôi đã chọn bốn nhà thầu tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Sở dĩ có sự lựa chọn này bởi theo kinh nghiệm, mùa mưa Tây Nguyên lại là mùa khô của các tỉnh miền Trung. Vì thế, các nhà thầu ở các địa phương xa cứ đến mùa mưa Tây Nguyên họ lại chuyển phương tiện, máy móc xuống các dự án tại miền Trung nên đến khi cần điều động, đẩy nhanh tiến độ lại phải đợi nhà thầu. Với các nhà thầu tại địa phương, họ có lợi thế sẵn máy móc, phương tiện và con người tại chỗ. Vì thế, ngay trong mùa mưa chúng tôi vẫn chỉ đạo các nhà thầu san đá cấp phối những đoạn đường bằng phẳng”.
Cam kết cung cấp đủ nhựa đường
Ngay khi mùa mưa chuẩn bị kết thúc, cuối tháng 9 các nhà thầu bắt đầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến đầu tháng 10, 100% nhà thầu đã bắt đầu tăng tốc. Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại gói thầu số 8, đoạn do Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai thi công, cuối tháng 9 mới chỉ bắt tay làm hệ thống thoát nước và xử lý phần nền móng, chưa đả động gì đến phần mặt đường. Tuy nhiên, đến nay, gần như toàn gói thầu đã rải đá cấp phối và đang tiến hành lu lèn. Dự kiến từ tháng 11/2014 tiến hành thảm bê tông nhựa.
Tương tự, gói thầu số 9, đoạn do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn thi công. Nhà thầu này mới tiếp nhận gói thầu từ tháng 8 nhưng đã tập trung phương tiện, máy móc và nhân lực đẩy nhanh tiến độ. Mặc dù chỉ có khoảng 4 km, nhưng nhà thầu đã đưa 104 công nhân thi công, tăng hơn nhiều số lượng đăng ký 24 công nhân. Bên cạnh đó, nhà thầu này cũng điều tới 20 thiết bị máy móc xuống công trường đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với vật liệu, hiện nay đã tập kết được hơn 336 nghìn m3, ngoài ra khu vực thị xã Buôn Hồ có khoảng 50 nghìn m3 đá tại chỗ. Như vậy, đơn vị này chỉ còn thiếu khoảng 12 nghìn m3 nữa.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, cho biết: “Nguy cơ khó khăn trong giai đoạn chạy đua nước rút có thể xảy ra là vật liệu nhựa đường. Ước tính trong khoảng 6 tháng mùa khô, có tới khoảng 60 nghìn tấn nhựa đường cung cấp cho Tây Nguyên. Nếu không tính toán kỹ sẽ thiếu trầm trọng. Trong tháng 9, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã họp giao ban về vấn đề này và các nhà cung cấp nhựa đã phải cam kết cung cấp đủ vật liệu nhựa đường, đồng thời tính toán đủ phương tiện chở nhựa từ các cảng miền Trung lên Tây Nguyên.
Văn Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận