Đường sắt

Thi nhau giảm giá để hút khách

06/07/2016, 18:22

Ga Hà Nội dịp cuối tuần, thấy khách du lịch đi Cửa Lò, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng… bắt đầu tăng cao.

4

Khách du lịch đi Cửa Lò, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng… để thỏa mình với biển bắt đầu tăng cao. - Ảnh minh họa

Lo ngại về vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung giờ đã “nguội” bớt. Đến ga Hà Nội dịp cuối tuần, thấy khách du lịch đi Cửa Lò, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng… để thỏa mình với biển bắt đầu tăng cao.

Một nhân viên nhà ga phấn khởi chia sẻ: “Vào vụ nghỉ mát nên tàu cũng đông khách. Chưa biết khách tăng, lương nhân viên thêm được bao nhiêu nhưng cứ có khách là tốt rồi”.

Cô cũng chia sẻ thêm, từ hồi tách chức năng khai thác, kinh doanh vận tải ra khỏi nhà ga, tiếp sau đó là cổ phần hóa các công ty vận tải đường sắt, do giảm lao động nên công việc của nhân viên đường sắt tăng lên, vất vả hơn, áp lực hơn mà lương lại thấp. Thư ký bán vé như cô giờ phải kiêm thêm nhiệm vụ nhân viên khách vận: Đón, tiễn, hướng dẫn hành khách ra, vào ga mua vé, đi tàu, thậm chí bán vé cho hành khách đi ngay. Tàu về hết khách, tàu đi khởi hành an toàn là cô lại quay về cửa vé bán vé phục vụ hành khách.  

Lương thấp, công việc áp lực, đó là nỗi niềm chung của nhiều CBNV các công ty vận tải đường sắt mà tôi đã gặp trong những chuyến đi đến các nhà ga, con tàu. Nguyên nhân rất nhiều nhưng có lẽ chính sách giảm giá cước, giá vé cạnh tranh giữa các công ty vận tải là một nguyên nhân? Một chuyên gia vận tải đường sắt cho biết, các công ty vận tải đường sắt thay vì liên kết, phối hợp chặt với nhau, thống nhất giá cước, giá vé để cùng khai thác như trước, nay “thi nhau giảm giá” để cạnh tranh thu hút khách hàng.

“Thị trường vận tải đường sắt khai thác chung ngày càng thu hẹp. Đa số khách hàng là khách hàng truyền thống. Trong khi đó, cổ phần rồi, bắt buộc các công ty vận tải đường sắt phải tìm mọi cách để tăng khách, tăng hàng. Vì thế, bên cạnh cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, phục vụ, họ cạnh tranh cả bằng cả giá cước. Mặc dù biết càng giảm càng lỗ nhưng nếu không giảm sẽ mất khách, mất hàng về tay công ty khác”, vị chuyên gia phân tích.

Còn trưởng một ga hàng hóa nhận định: “Cứ nhìn giá cước thì thấy, các công ty thi nhau giảm giá để cạnh tranh, nhiều khi giảm đến mức dưới giá thành vận tải. Thế thì lấy đâu ra tăng thu, có lãi để tăng thu nhập cho người lao động, chứ nói gì đến phát triển”.

Được biết, với vai trò công ty mẹ, Tổng công ty Đường sắt VN đang xây dựng các phương án “phân chia thị trường” hoặc phân lại lĩnh vực khai thác vận tải cho các công ty vận tải đường sắt để giảm thiểu cạnh tranh nội bộ, vì sự phát triển chung. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.