Với câu trả lời ngô nghê, nhiều thí sinh đã khiến khán giả “cười ra nước mắt” trước những câu hỏi trong vòng thi phỏng vấn.
Trường hợp thí sinh Vĩnh Bảo Trân (số báo danh 149) đến từ Đồng Tháp nhận được câu hỏi: “Huyện đảo nào có giống tỏi thơm ngon, được mệnh danh là vua của các loại tỏi tại Việt Nam?”. Đáp án rất dễ (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã được dạy trong chương trình phổ thông) nhưng thí sinh này không thể trả lời được. Để chống ngượng, cô gái trả lời: “Đây là câu hỏi kiến thức nên cần độ chính xác. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0 thì không khó để chúng ta tìm câu trả lời trên báo, đài, mạng. Nếu được thử thách lần sau, em sẽ trả lời câu hỏi này tốt hơn”.
Với thí sinh có số báo danh 124, chương trình có câu hỏi: “Ai là nhà văn hiện thực phê phán hàng đầu thế kỷ XX, tạo ra nhân vật Xuân tóc đỏ trong tác phẩm Số đỏ?”. Trong khi câu trả lời đúng là Vũ Trọng Phụng, cô gái này cho rằng là Nam Cao.
Đây không phải là những trường hợp hy hữu về sự thiếu kiến thức cơ bản của các người đẹp Việt tại các cuộc thi nhan sắc. Còn nhớ, tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, thí sinh Mai Anh nhận được câu hỏi bằng tiếng Anh với nội dung: “Quốc tịch của người Trung Quốc là gì?”. Cô gái này đáp lại: “Tôi biết nhưng không biết nói tiếng Anh như thế nào?”. Sau khi được đồng ý trả lời bằng tiếng Việt, Mai Anh khẳng định là: “Vạn Lý Trường Thành”. Câu trả lời của chân dài sinh năm 1996 khiến cô bị đánh giá là không nắm được kiến thức cơ bản.
Thừa nhận rằng, khi lần đầu đối diện với Ban giám khảo già dơ kinh nghiệm, đứng trên sân khấu một cuộc thi lớn, các thí sinh khó có thể bình tĩnh và tạm thời không suy nghĩ sáng suốt là chuyện thông cảm được. Song đây cũng là một cuộc thi để tìm ra những người đẹp giàu bản lĩnh và có trí tuệ. Đặc biệt là có thể trở thành đại diện của Việt Nam tại đấu trường nhan sắc quốc tế thì phải có trách nhiệm chuẩn bị kỹ càng, có ý thức đến với cuộc thi.
Ban tổ chức có thể hỗ trợ các thí sinh phần trang điểm, thời trang, catwalk, tuy nhiên với văn hóa kiến thức, các người đẹp phải tự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân mình. Không ít người bao biện rằng sở dĩ nhan sắc Việt vẫn chưa có nhiều dấu ấn ở quốc tế vì ngoại hình chưa phù hợp với tiêu chí các cuộc thi nhan sắc của châu Âu, Mỹ Latin hay do hạn chế về ngôn ngữ. Song, có lẽ điều thiếu sót nhất ở các người đẹp Việt là sự thiếu hụt về kiến thức, lịch sử văn hóa của chính đất nước mình, chứ chưa cần nói đến kiến thức lịch sử đương đại của các nền văn hóa lớn trên thế giới.
Tránh “đeo mo vào mặt”, bản thân các người đẹp cần nghiêm túc trau dồi kiến thức ngoài việc có sẵn một vóc dáng hoàn hảo, có như vậy nhan sắc Việt mới thể hiện đúng sứ mệnh của một hoa hậu - đại diện cho vẻ đẹp nhan sắc, tâm hồn và trí tuệ của phụ nữ Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận