Thí sinh HHHV vô tư đút thức ăn cho chàng trai mới quen để thể hiện sự “thanh lịch” |
Hoa hậu cũng tập kỹ năng “xử lý khi bị đánh ghen”
Tập 3 chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 lên sóng ngày 13/10 đã gây ra những tranh cãi kịch liệt trước thử thách kỹ năng bàn tiệc, rèn luyện sự thanh lịch cho các thí sinh. Các thí sinh liên tục đối mặt với những thử thách như nói tiếng Anh, trò chuyện, khiêu vũ, múa, hát. Chưa dừng lại ở đó, thí sinh còn phải xử lý những tình huống oái oăm như bị phục vụ làm đổ đồ ăn thức uống lên người, hai khách mời nam tranh nhau làm quen, thậm chí là bị khách mời nam tiếp cận thân mật. Cũng từ đây, cách xử lý tình huống của các thí sinh được bộc lộ và không ít trong số đó đã gây ra “làn sóng” tranh cãi gay gắt từ phía công chúng vì bị đánh giá phản cảm.
"Mọi tình huống đều có thể xảy ra trong thực tế nên về nguyên tắc có thể ra bài cho thí sinh. Nhưng khi dư luận thường hay chĩa vào những khía cạnh hết sức nhạy cảm, chú trọng khai thác mối quan hệ giữa đàn ông với đàn bà, tính thân xác, kiếm chác, lợi dụng tên tuổi PR… thì nhà tổ chức nên thận trọng, khéo léo hơn. Xét cho cùng, truyền hình thực tế vẫn phải dùng chiêu trò để câu view nên thường phải làm sao có nhiều hình ảnh “độc”, trần trụi, thậm chí khả ố. Điều này dễ làm méo mó hình ảnh đáng lý phải là tin cậy, tôn quý của hoa hậu”. TS. Trịnh Hòa Bình |
Thí sinh Hoàng Như Ngọc đến từ Bình Dương vô tư uống cạn ly rượu vang vì theo cô giải thích thì “sĩ diện lên thì phải uống hết”, dù Như Ngọc chia sẻ mình không biết uống rượu. Trong khi đó, khi nam khách mời tiếp cận, người đẹp Mai Anh đến từ Hải Phòng lại thể hiện sự “thanh lịch” bằng cách thân mật đút thức ăn cho chàng trai mới quen. Đỉnh điểm, thí sinh Cẩm Tú rơi vào thử thách bị hất nước đánh ghen. Quá lúng túng và bối rối, Cẩm Tú lại phân trần bằng giọng điệu như thách thức: “Mình đâu có làm gì đâu, mình chỉ để tay lên tay của anh ấy”.
Từ lâu, hình ảnh của các người đẹp, hoa hậu vốn đang dần trở nên xấu xí trong mắt công chúng bởi những ồn ào liên quan tới giới chân dài như cặp kè đại gia (đã có vợ), bán dâm… Bởi thế, những hình ảnh trên khiến người xem vô cùng bất ngờ khi lại xuất hiện trong một cuộc thi hoa hậu - nơi để tôn vinh nhan sắc, trí tuệ và nhân cách của phụ nữ. Là người làm việc, tiếp xúc với rất nhiều hoa hậu, á hậu Việt Nam như: Phan Thu Ngân, Nguyễn Thuỳ Lâm, Trà Giang, Lâm Thuỳ Anh..., NTK Văn Thành Công cho hay, anh chưa bao giờ nghĩ những bài học “tiếp rượu” và ứng xử khi đánh ghen là cần thiết với một cuộc thi hoa hậu.
Trong khi đó, TS. Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội) nhìn nhận, dù đây chỉ là những phương án, tình huống có thể xảy ra và cần thiết phải trang bị kỹ năng cho ứng viên, nhưng những hình ảnh trên dễ khiến nhiều người cho rằng, cứ hoa hậu chân dài là phải dính tới chuyện trai gái, đại gia… Đó là điều không hay ho, gây bất lợi cho hình ảnh của các chương trình và hoa hậu. Cũng theo ông, việc xuất hiện những hình ảnh đút thức ăn cho trai lạ, bị đánh ghen, tiếp rượu để làm hài lòng đối tác… khiến cảm giác về sự hài hòa, viên mãn với những người đẹp thi hoa hậu có thể bị ảnh hưởng xấu.
Làm truyền hình thực tế về hoa hậu nên thận trọng
“Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017” không phải chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về cuộc thi nhan sắc. “Hoa khôi áo dài” từng được tổ chức hai mùa theo dạng truyền hình thực tế và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chương trình cũng tập và rèn luyện cho thí sinh nhiều kỹ năng chuyên sâu, từ cách ăn uống ra sao, chào hỏi khi gặp mặt như thế nào, cách cười sao cho rạng rỡ… Từ đó, thí sinh dần trưởng thành hơn qua mỗi tập và dần “lột xác” để trở thành người có phong thái tự tin trước công chúng, về cả sắc đẹp lẫn cách giao tiếp, ứng xử.
Năm 2016, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 cũng áp dụng phần thi tương tự chương trình truyền hình thực tế với tên gọi Người đẹp Nhân ái. Chương trình này nhận được nhiều khen ngợi khi cho thấy sự nỗ lực của các thí sinh. Từ đó, công chúng có cái nhìn khách quan, chân thật hơn về cuộc thi, cũng như thấy được những hiệu quả của các dự án mà thí sinh thực hiện.
Những người trong nghề nhìn nhận, việc thực hiện một chương trình truyền hình thực tế về hoa hậu là điều không đơn giản vì phải làm sao để tôn vinh được nhan sắc, tri thức và tài năng của người phụ nữ. Trong khi theo công thức thông thường, các chương trình thực tế lại luôn cần những chiêu trò để gây chú ý. Những điều ấy dễ gây phản cảm nếu áp dụng cho một cuộc thi về hoa hậu. Với Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, chương trình đang bị nhiều người đánh giá là tạo chiêu trò để thu hút dư luận, gây ra quá nhiều tranh cãi từ khi phát sóng.
Hoa khôi du lịch Việt Nam 2017 Khánh Ngân chia sẻ, cô rất bất ngờ khi BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lại đưa những tình huống táo bạo vào cuộc thi này. Theo Khánh Ngân, đây là chương trình đào tạo hoa hậu, đưa tình huống bị đánh ghen vào sẽ khiến nhiều người thấy phản cảm.
“Nhưng thực tế, môi trường của những người đẹp phải tiếp xúc với nhiều người nên có rất nhiều tình huống không dự trù trước được. Nhiều khi chỉ đi với ai đó là bạn, nhưng người khác chụp hình lại rồi tung tin là người yêu tin đồn. Nếu người đó có vợ rồi sẽ rất dễ xảy ra hiểu lầm và có thể dẫn tới đánh ghen. Tình huống này cũng là cách giúp các cô gái biết cách ứng xử hợp lý hơn khi gặp những trường hợp tương tự. Tuy nhiên, nếu BTC xây dựng khéo léo, nhẹ nhàng sẽ hợp lý hơn khi lên sóng truyền hình, vì người Việt vốn rất nhạy cảm với vấn đề này”, Khánh Ngân bộc bạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận