Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có số lượng thí sinh bị đình chỉ thi thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (Ảnh minh hoạ: Zing news) |
Các mã đề có sự chênh lệch độ khó dễ?
Chiều nay (24/6), Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức cuộc họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Kỳ thi năm nay được đánh giá là thành công, an toàn, đúng quy chế và đặc biệt là gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và gia đình các em.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá: "Kỳ thi đã diễn ra rất thành công. Điều này khẳng định việc đổi mới phương án, cách thi của Bộ là đúng đắn. Phương thức tổ chức này sẽ áp dụng cho nhiều năm tới", ông Ga nói.
Theo VnExpress, trước câu hỏi về việc các mã đề có sự chênh lệch độ khó dễ, Bộ Giáo dục khẳng định "24 mã đề có mức độ đồng đều".
"24 mã đề xuất phát từ 4 đề gốc. Các câu hỏi trong mỗi đề gốc này được phân làm 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Khi đảo, các câu hỏi được đảo theo khu vực có cùng cấp độ. Nếu so sánh độ đồng đều thì phải so toàn đề thi chứ không thể dùng 1-2 câu đối chiếu. Có lẽ chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thi này, mới biết được độ khó - dễ như thế nào", Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sái Công Hồng - thành viên tổ ra đề cho biết.
Thí sinh bị đình chỉ thi thấp nhất trong 5 năm trở lại đây
Theo Zing news, số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, toàn đợt thi có 72 thí sinh bị đình chỉ thi. Con số này ở năm 2016 là 328 em. Năm nay, kỳ thi cũng chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở do vi phạm quy chế.
Đánh giá về con số này, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng do hình thức thi được đổi mới. Cụ thể, có 4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài không kéo dài, mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề riêng nên việc gian lận giảm.
Bên cạnh đó, việc điều 50% số giám thị coi thi ở các trường ĐH phối hợp địa phương nên tính khách quan cũng được đảm bảo.
Tuy nhiên, thông tin trên tờ Sài Gòn giải phóng cho hay, nhiều phóng viên tại các cơ quan báo chí tỏ ra lo ngại về con số 72 thí sinh bị đình chỉ thi và đặt vấn đề: liệu có phải kỳ thi thực sự nghiêm túc hay do giao cho các sở tổ chức thi nên có sự du di?
Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, với tỷ lệ cán bộ coi thi là 50/50 giảng viên đại học-giáo viên phổ thông thì tính nghiêm túc của kỳ thi đã được bảo đảm. Đặc biệt, thi trắc nghiệm, cộng với mỗi thí sinh một mã đề thi các em khó mà gian lận. Vì vậy, 72 thí sinh bị đình chỉ thi trong kỳ thi năm nay là con số thể hiện tính nghiêm túc của kỳ thi, không có gì phải nghi ngờ.
Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cũng đồng tình với quan điểm của ông Mai Văn Trinh khi cho rằng, qua giám sát kỳ thi cho thấy 2 yếu tố: 50% cán bộ coi thi là giảng viên đại học; thi trắc nghiệm với mỗi thí sinh một mã đề thi đã bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi, đủ để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả vào đại học.
“Dĩ nhiên không có gì là tuyệt đối. Chờ khi có kết quả thi chúng ta mới đánh giá toàn diện được tính chất của kỳ thi, nhưng trước mắt qua quan sát thì chúng tôi cảm thấy có thể yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh”- Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nói.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận