Tại cuộc gặp mặt với cán bộ, giáo viên toàn quốc vào sáng 15/8, trả lời về phương án dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Chủ trương sẽ thay đổi nội dung câu hỏi, nội dung thi phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên sẽ không quá mới lạ, không gây ra bất ngờ, "sốc" với học sinh lẫn phụ huynh.
Phương án thi hướng đến sự phù hợp với lứa học sinh chưa trải nghiệm toàn bộ chương trình Giáo dục phổ thông mới, mà chỉ bắt đầu ở bậc THPT.
Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 vào quý IV năm nay".
Dự kiến thay đổi phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 để phù hợp với chương trình mới.
Trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT lấy ý kiến từ tháng 3/2023, Bộ GD-ĐT xây dựng về lộ trình thực hiện ở giai đoạn 2025-2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Hình thức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Theo Bộ GD-ĐT, để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực.
Do đó, cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 7 môn bao gồm môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1 (gồm 7 ngoại ngữ khác nhau), lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học. Trong đó có 3 môn giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ và tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận