Sẽ xử lý đối tượng tung tin giả
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có 2 công điện chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo quyết liệt UBCK và các đơn vị chức năng trong việc tăng cường sự phát triển ổn định, lành mạnh của TTCK.
Sau tin đồn lãnh đạo Tập đoàn GELEX bị bắt, hình ảnh lan truyền trên mạng về Tập đoàn Hoa Sen khiến cổ phiếu của công ty này giảm mạnh
Quý I/2022, VN-Index giảm 0,4% về điểm số, giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 1,6 lần so với cùng kỳ 2021, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu tài khoản, cán chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 5% dân số trước 3 năm.
Bà Bình dẫn chứng, thời gian qua, hàng loạt sai phạm cũng đã được các cơ quan quản lý xử lý nghiêm. Điển hình là các cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng vì có hành vi thao túng TTCK, hay sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
“Những chỉ đạo và hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong tương lai”, bà Bình nói.
Đại diện UBCK cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường; Đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng công bố thông tin trên thị trường.
UBCK sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường,…
“Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần thực sự bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp”, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán khuyến nghị.
Đại diện UBCK cho biết, TTCK Việt Nam 2022 vẫn được đánh giá khả quan. Do đó, nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao.
“Trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư”, bà Bình nói.
95% công ty niêm yết báo lãi
Thông tin về triển vọng TTCK Việt Nam năm 2022, bà Bình đánh giá vẫn còn dư địa cho tăng trưởng.
Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng đến thời điểm này đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán
Từ cuối tuần trước, thị trường chứng khoán giảm mạnh, VN-Index mất hơn 20 điểm. Đến phiên giao dịch đầu tuần này, tình trạng tồi tệ hơn khi có tới 850 mã giảm trên toàn thị trường, với gần 100 mã giảm sàn, “thổi bay” hơn 105.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường. Nếu tính 3 phiên gần đây, vốn hóa riêng sàn HOSE đã bốc hơi hơn 260.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 11,5 tỷ USD.
Đến phiên 13/4, VN-Index đã tăng trở lại 21,95 điểm (1,51%) lên 1.477,2 điểm, HNX-Index cũng tăng 6,44 điểm (1,52%) lên 427,45 điểm, UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (0,68%) đạt 113,3 điểm.
“Mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK”, bà Bình nói.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách đã được Bộ Tài chính kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường và đã chứng minh được hiệu quả trong bối cảnh tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19 vừa qua.
Về các yếu tố nội tại của thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ.
Đến ngày 31/3 có 1.156/1.293 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM báo cáo có lãi, chiếm 89% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 88%.
Trong đó có 598/632 công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021, chiếm 95% số công ty niêm yết thực hiện báo cáo, cao hơn số công ty niêm yết báo lãi trong năm 2020 là 584/632, tương đương 92%.
“Với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên TTCK đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022”, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán nhận định.
Bên cạnh đó, bà Bình cho rằng TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ được cho là “đặc sản" so với nhiều thị trường khu vực, như kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh... thu hút dòng tiền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận