Thị trường

Thị trường bánh trung thu thấp thỏm vì Covid-19

24/08/2020, 06:29

Nhiều hãng sản xuất bánh trung thu năm nay quyết định giảm nguồn cung do lo ngại ế ẩm vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

img
Cảnh đìu hiu tại một gian hàng bánh trung thu Kinh Đô trên đường Phạm Hùng, Hà Nội

Cung giảm, cầu giảm song giá thành tăng cao khiến các nhà sản xuất buộc phải nâng giá bán. Điều đó càng khiến các hãng thêm thấp thỏm.

Đìu hiu, ảm đạm hiếm thấy

Khác hẳn với không khí nhộn nhịp những năm trước, năm nay, những quầy hàng bánh trung thu trên các tuyến phố Hà Nội đều chịu chung cảnh đìu hiu, ảm đạm. Tại phố Tôn Quang Phiệt (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều ki-ốt của các hãng bánh như: Kinh Đô, Thu Hương, Hữu Nghị… mọc lên san sát, song chẳng có mấy người ghé mua.

Chia sẻ với PV, chị Hậu, một nhân viên lâu năm của Kinh Đô cho biết, nếu so với mọi năm, lượng khách giảm tới hơn 70%, trong khi người mua lại chủ yếu mua lẻ từ 1 - 2 chiếc.

Điều này trái ngược với thông lệ là những ngày mở bán đầu tiên, lượng khách mua rất đông bởi ai cũng muốn thưởng thức miếng bánh ngon đầu mùa.

Tương tự, tại các con phố khác như Phùng Chí Kiên với thương hiệu bánh Tràng An, hay các tuyến phố lớn thường có lượng người mua đông đúc như: Phạm Hùng, Nguyên Hồng, Láng Hạ… tình cảnh cũng chẳng khá hơn.

“Lượng người mua đếm trên đầu ngón tay, thậm chí, một nhân viên quản 3 gian hàng lớn thay vì mỗi quầy phải cần đến 2 nhân viên như trước đây”, một nhân viên bày tỏ.

Chị Nga, chủ một cửa hàng tạp hóa lớn tại phố Nghĩa Tân, Hà Nội cho biết, chị đã kinh doanh bánh trung thu gần 10 năm nay.

Thời điểm đầu mùa thường cửa hàng chị nhận được nhiều đơn hàng lớn từ các công ty đặt mua cho nhân viên hoặc đi biếu đối tác. Tuy nhiên, hiện tại, cửa hàng chưa nhận được bất kỳ một đơn hàng nào.

Không chỉ các sạp hàng vỉa hè, những ngày này cũng không còn hình ảnh dòng người xếp hàng dài chờ mua bánh trung thu truyền thống tại các cửa hàng Bảo Phương (phố Thụy Khuê ) hay Bình Chung (Xuân Đỉnh) như mọi năm.

Cung cầu giảm, giá tăng

Ông Phạm Văn Định, chủ cơ sở bánh Bảo Phương cho biết, vào thời điểm này mọi năm, khách muốn mua bánh phải xếp hàng dài cả mấy trăm mét mới đến lượt, song năm nay, khách đến có thể mua được hàng luôn.

Khi khách đã đắn đo cân đối tiền để mua hàng đồng nghĩa với việc tăng lựa chọn. Như vậy, đa dạng sản phẩm sẽ giúp cửa hàng không bỏ lọt khách hàng.

Bình thường bánh chỉ có những nhân truyền thống như: Xá xíu, đậu xanh, thịt mỡ, vừng. Năm nay, xưởng đã có thêm nhiều dòng nhân mới như: Đậu đỏ, cốm, trà xanh, dừa, hạt sen, gà quay, gà quay giăm bông, lạp xưởng.

Những nhà làm bánh truyền thống kị nhất là có quá nhiều loại sản phẩm, sẽ làm lu mờ thương hiệu. Song, thời thế bắt buộc các cơ sở, doanh nghiệp phải lựa chọn để có thể bán được nhiều hàng nhất.
Bà Nguyễn Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Bình Chung


Ông Định dự kiến, cửa hàng sẽ cắt giảm nguồn cung khoảng 30% so với những năm trước mặc dù giá giữ nguyên.

“Con số này được tính toán với hy vọng khách sẽ mua nhiều vào những ngày gần Tết Trung thu”, ông Định dự đoán.

Tương tự, làng bánh trung thu cổ truyền Xuân Đỉnh (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng không còn hình ảnh chật cứng các khách mua buôn, mua lẻ, lái buôn từ khắp các tỉnh, thành đổ về xếp hàng mua bán như dịp này những năm trước.

Thay vào đó là hình ảnh những xưởng sản xuất cửa chốt then cài hay vài cửa hàng lác đác khách mua.

Bà Nguyễn Thị Bình, chủ xưởng sản xuất bánh Bình Chung cho biết, bánh trung thu mỗi năm chỉ có một mùa nên những cơ sở sản xuất truyền thống trong làng thường làm theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”.

Nhưng thị trường không còn hấp dẫn trong thời gian dài thì những nhà sản xuất yếu phải bỏ cuộc. “Không ít những nhà sản xuất đã phải đóng cửa khi không có khách hoặc không có đơn hàng trong tháng trung thu, sức mua của cơ sở lớn cũng đã giảm khoảng 40 - 50%”, bà Bình nói và cho hay, dự kiến nguồn cung năm nay sẽ giảm khoảng 40%, thậm chí con số sẽ còn cao hơn.

Tương tự, nhiều thương hiệu bánh lớn cũng có kế hoạch giảm nguồn cung ra thị trường như: Tràng An, Hữu Nghị, KIDO...

CEO Tập đoàn KIDO Trần Lệ Nguyên cho biết, Covid-19 đã mang đến những thử thách không nhỏ cho sự tái xuất của thương hiệu này đúng mùa trung thu năm nay, sau 5 năm bán cho đối tác ngoại.

“Công ty từng dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 8 triệu bánh trung thu với doanh số khoảng 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại nên dự kiến này phải giảm đi một nửa, chỉ sản xuất khoảng 4 triệu bánh và doanh số kỳ vọng đạt 200 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến thu về cho mùa trung thu khoảng 50 tỷ đồng”, CEO KIDO cho biết.

Theo khảo sát, giá bánh trung thu có sự chênh lệch khá lớn, bánh nướng dao động 32.000 - 90.000 đồng/chiếc (loại bánh 120 - 200g); bánh dẻo 20.000 - 50.000 đồng/chiếc. Mức giá năm nay hầu hết tăng 10 - 15% so với năm trước.

Theo chủ cơ sở bánh Bình Chung, thị trường nguyên vật liệu năm nay có nhiều biến động, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn - nguyên liệu chính làm nhân bánh truyền thống tăng gần gấp đôi nên giá bán cũng phải điều chỉnh tăng theo.

Cụ thể, với mức tăng giá thành khoảng 5.000 đồng/sản phẩm, giá bán dao động khoảng 34.000 - 35.000 đồng/sản phẩm có trọng lượng 200g.

Nhận định thị trường ảm đạm phần lớn do tác động của kinh tế nên những sản phẩm cao cấp không phải là chiến lược tốt hay việc tung ra sản phẩm mới cũng không thể thay đổi cục diện, bà Bình chia sẻ, Bình Chung đã chọn chiến lược giữ nguyên mẫu mã cũ và đa dạng thêm nhiều sản phẩm bằng cách biến đổi hài hòa các loại nhân bánh để khách hàng dễ lựa chọn trong bối cảnh giá vẫn phải tăng. Nhiều cơ sở khác tại làng Xuân Đỉnh cũng chọn cách này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.