Kinh tế

Thị trường bất động sản 2021: Cơ sở pháp lý còn nhiều khoảng trống

05/01/2021, 19:17

Cơ sở pháp lý đầu tư bất động sản còn nhiều khoảng trống là nhận định của chuyên gia Đặng Hùng Võ tại tọa đàm về thị trường này tổ chức hôm nay.

img

Tọa đàm Toàn cảnh thị trường bất động sản 2021 do FLC Group tổ chức tại Quần thể FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc.

Năm 2021, bất động sản sẽ tăng giá 10%?

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam tại tọa đàm "Toàn cảnh thị trường bất động sản 2021" với nội dung "Nhận diện xung lực mới" tổ chức hôm nay (5/1), tại Quần thể FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc.

Theo ông Đính, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường BĐS khiến thị trường suy giảm. Đầu năm 2020 thị trường đóng băng, hạ tầng du lịch BĐS gần như bất động. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ, như ban hành các quy định pháp lý cho Condotel nhưng chỉ hỗ trợ được một phần. Vướng mắc về pháp luật đã cản trở nguồn cung, tạo khó khăn kép cho thị trường.

6 tháng cuối năm, mặc dù có hai đợt dịch bùng phát nhưng thị trường BĐS vẫn thể hiện sự phát triển mạnh khi nguồn cung mới đạt 60.000 sản phẩm, tương đương 67,5% so với 2019 đây là con số ấn tượng so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ tại TP.HCM đạt trên 80%, giá BĐS tại hàng loạt địa phương tăng rất mạnh, kể cả BĐS du lịch.

Ông Đính nhận định, năm 2021 - năm đầu tiên các cấp chính quyền địa phương nhận nhiệm vụ mới sẽ là lực đẩy cho thị trường. Năm 2021 khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng ảo hay bong bóng mà sẽ phát triển bền vững. "Những dự án đồng bộ về hạ tầng, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt sẽ trở thành lực hút, đầu tư BĐS sẽ lan rộng ra những khu vực vùng núi, giá BĐS dự báo tăng 10% năm 2020", ông Đính nhận định.

Cùng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận định, năm 2021, thị trường BĐS chắc chắn tăng trưởng và có tính thanh khoản cao hơn.

Rủi ro pháp lý luôn hiện hữu

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM chia sẻ, BĐS luôn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác nhau. Thị trường BĐS gặp khó khăn trong 5 năm qua. Covid-19 mới đây khiến khó khăn trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, bối cảnh này cũng giúp chúng ta đánh giá, nhìn nhận lại toàn cảnh thị trường và tìm một hướng đi bền vững.

Ông Châu nhận định, năm 2021 sẽ là một năm có điểm hội tụ, đặc biệt khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi...cùng có hiệu lực (1/1/2021).

"Thị trường BĐS 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ. BĐS du lịch sẽ rất phát triển. Các doanh nghiệp BĐS đang dịch chuyển ra các tỉnh, sang các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế xã hội. Chính vì thế miền Trung, Tây Nguyên, miền núi Tây Bắc còn tiềm năng phát triển BĐS.

Tôi cho rằng cơ hội cho thị trường BĐS 2021 rất lớn, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý phòng tránh rủi ro về pháp lý, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tín dụng doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro quy mô doanh nghiệp" ông Châu nói.

Ghi nhận những điểm tích cực trong gỡ rối pháp lý đầu tư BĐS; Tuy nhiên, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn chỉ ra những khoảng trống còn tồn tại.

Cụ thể: Nghị định 148 chưa lấp đầy được khoảng trống pháp luật. Hai khoảng trống lớn nhất là việc phê duyệt các dự án. Luật Nhà ở quy định dự án nhà ở phải là đất ở nhưng Luật Đất đai thì quy định chỉ cần thu hồi xong được giao đất là có thể triển khai dự án.

Khoảng trống thứ hai là các loại hình BĐS nghỉ dưỡng loại mới. Theo hướng dẫn tại Công văn 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc cấp Giấy chứng nhận loại hình nghỉ dưỡng có thời hạn 50-70 năm. Điều này làm cho các nhà đầu tư rời bỏ BĐS nghỉ dưỡng bởi tâm lý họ muốn đầu tư vào đất lâu dài. Hiện nay BĐS nghỉ dưỡng vẫn phát triển nhưng chủ yếu là bằng nguồn lực của các doanh nghiệp lớn, thiếu sự góp mặt của nhà đầu tư cá nhân.

"Hai khoảng trống này khiến cả phân khúc nhà ở lẫn BĐS nghỉ dưỡng bị "bó chân". Chúng ta vẫn nhìn các loại hình BĐS nghỉ dưỡng mới theo mô hình truyền thống, chưa nhìn dưới con mắt của nền kinh tế chia sẻ, một gia đình có thể có nhiều căn nhà, làm ảnh hưởng đến phân khúc này.

Năm 2021 câu chuyện sửa luật để lấp đầy khoảng trống và bỏ quy định chồng chéo là câu chuyện quan trọng nhất chúng ta cần làm. Cơ hội rất nhiều nhưng rủi ro pháp luật vẫn luôn hiện diện", ông Võ nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.