Mặc dù có chịu tác động của Covid-19, song nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản “đóng băng” giao dịch là do thiếu nguồn cung từ các dự án mới với giá cả hợp lý. Các sản phẩm khó bán trên thị trường hiện nay chủ yếu đến từ những dự án căn hộ thuộc phân khúc cao cấp hoặc giá bán quá cao; biệt thự có tổng giá trị lớn.
Dự án biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang
Khu đô thị Lideco hay còn gọi là khu “biệt thự phố nhà giàu” thuộc địa bàn thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, do Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư, nằm giáp QL32, phía Tây Hà Nội.
Lideco được quy hoạch với tổng diện tích 38ha, tương ứng 800 căn biệt thự, nhà liền kề thiết kế theo phong cách tân cổ điển Pháp.
Hơn chục năm trở về trước (2007), thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng, dự án này được quảng cáo hoa mỹ, giá bán “gây bão” từ 50 - 60 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đến nay sau hơn chục năm triển khai xây dựng, nhà bán chưa hết, cả dự án gần như bỏ hoang. Nhà xây thô có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Ngói lợp mái phai màu, rơi vỡ tếch toác. Tường sơn rêu mốc, những cánh cửa gỗ tự nhiên lắp sẵn cũng nứt ra vì mưa nắng.
Nhà không người ở, xung quanh cỏ mọc um tùm, cao cả mét. Do bỏ hoang, nhiều đối tượng lạ tự do ra vào khiến chủ đầu tư phải treo những chiếc biển trước cửa nhà với dòng chữ “Nhà đã có người ở, cấm dán quảng cáo, phát tờ rơi...”.
Trong vai khách hàng tìm mua nhà, PV Báo Giao thông được một nhân viên môi giới dự án này hỏi thẳng: “Anh định mua nhà tầm bao nhiêu tiền?”. Bởi theo vị này, khách đến hỏi nhiều nhưng đều “mất hút”. Sau một hồi với đủ câu “hỏi xoáy đáp xoay”, nhân viên này mới chịu tư vấn.
Theo nhân viên môi giới, hiện nay dự án còn lại phần lớn là biệt thự và đất nền đã hoàn thiện thô, trát mặt ngoài. Đối với sản phẩm biệt thự, diện tích khoảng 220 - 250m2, giá dao động tương ứng khoảng 9 - 11 tỷ đồng tùy căn. Nếu mua đất nền, giá rẻ hơn, dao động khoảng 35 triệu đồng/m2. So với giá dự án và nhà riêng lẻ xung quanh thì giá của Lideco rẻ hơn.
Tuy nhiên, diện tích lô đất lớn, từ 300 - 400m2. Tính ra tổng số tiền đất cũng khá lớn, ngót nghét 10 tỷ đồng, chưa tính tiền xây dựng và phải xây theo bản thiết kế đã được duyệt.
“Không ít khách đến hỏi rồi lại lắc đầu quay đi. So với trước, giá hiện nay rẻ hơn nhiều, anh chốt ngay đi. Ai mua đầu tư thời gian trước thì giờ lỗ quá, để thì xuống cấp mà bán cũng vỡ nợ”, nhân viên môi giới thật thà.
Tình trạng cũng diễn ra tương tự tại dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp The Phoenix Garden, Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội. Có tổng diện tích 45ha với khoảng 500 lô từ 200 - 800m2, The Phoenix được giới thiệu là dự án sinh thái có khoảng cách về trung tâm Hà Nội ngắn nhất, đón đầu tuyến đường Tây Thăng Long.
Sau hơn chục năm tính từ ngày khởi công (2009) đến nay, sản phẩm dự án vẫn được chủ đầu tư rao bán trên khắp các diễn đàn. Lô đất có diện tích 200m2 giá bán từ 5,6 - 6,4 tỷ đồng (khoảng 28 - 32 triệu đồng/m2).
Anh T., nhân viên môi giới cho biết, nếu mua thời điểm này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như ân hạn nợ gốc 12 tháng, chiết khấu tiền mặt lên tới 780 triệu đồng...
Khi PV vào vai một môi giới hỏi cho khách thì vị này thừa nhận: “Năm nay quá khó bán. Ở đây, tôi cũng chưa bán được căn nào”.
Khan hiếm nguồn cung mới
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Việt, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Hà Đông chia sẻ, hiện tượng tồn vài chục căn ở mỗi dự án lớn, thậm chí vài trăm tới nghìn căn là không hiếm.
Trong giới bất động sản, đây được hiểu là những sản phẩm “canh cuối” mà các chủ đầu tư phải chấp nhận và đưa vào dự toán rủi ro ngay từ ban đầu. Những sản phẩm này thường nằm ở những vị trí không đẹp, phạm phong thủy, giá cao hoặc là hàng mà chủ đầu tư “om”...
Ông Việt cho rằng, các sản phẩm trên sẽ được bán sớm nếu giảm giá sâu hơn hoặc có những chính sách khuyến mãi đặc biệt. Người có nhu cầu và vừa với túi tiền thì họ vẫn sẵn sàng xuống tiền.
Giải đáp nghi ngại về việc doanh nghiệp bất động sản bết bát, không bán được hàng vì dịch Covid-19, ông Việt khẳng định: Thị trường không có hàng, không có dự án mới để bán chứ không phải không bán được.
“Bên cạnh một số sản phẩm ế ẩm vì vị trí xấu, giá đắt…, thì cũng có những dự án nhìn ngoài bỏ không, tan hoang, xơ xác nhưng thực chất đã được bán hết cho các nhà đầu tư. Khách mua đầu tư đặt cọc tiền, ngồi chờ triển khai quy hoạch, xây dựng hạ tầng, đất lên giá là bán ra”, ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, hiện nay Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ nhiều thủ tục pháp lý để sớm có nguồn cung mới ra thị trường. Những doanh nghiệp nào đủ sức vượt qua thời gian này chắc chắn sẽ cho ra thị trường những sản phẩm tốt và uy tín trong mắt khách hàng, nhà đầu tư.
Đại diện Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho biết, các sản phẩm chào bán hiện tại đều là hàng tồn từ thời gian trước (chiếm 70%). Trong khi đó, tình trạng khan hiếm nguồn cung mới vẫn sẽ diễn ra cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản nói chung. Lượng giao dịch, tỉ lệ tiêu thụ trên thị trường sẽ tăng so với quý III/2020, nhưng giá trên toàn thị trường có thể sẽ không có nhiều biến động.
Theo thống kê quý III của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tổng lượng nhà ở được bán trên toàn thị trường là 73.933 sản phẩm. Trong đó, chiếm chủ yếu là căn hộ chung cư (46.773 căn) và 27.160 sản phẩm thấp tầng. Tỉ lệ hấp thụ đạt 26.299 (35,5%), tăng khá mạnh so với con số 7.641 sản phẩm của quý I/2020 và 12.640 sản phẩm của quý II/2020.
Còn theo thống kê của Savills Việt Nam, tại Hà Nội nửa cuối năm 2020, khoảng 24.200 căn hộ từ 4 dự án hiện tại và 18 dự án tương lai sẽ ra mắt thị trường, hạng B tiếp tục dẫn đầu thị trường. Trong số 22 dự án này, 68% đang trong quá trình xây dựng và 32% đang làm móng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận