Lợi nhuận giảm sau giai đoạn "thăng hoa"
Kết thúc quý II/2023, Công ty CP Vận tải biển VN (Vosco) ghi nhận doanh thu đạt 1.042,6 tỷ đồng, tăng 51,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,08 tỷ đồng, giảm 99,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất Vosco ghi nhận kể từ quý 4/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.561,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 74,14 tỷ đồng, giảm 76,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường tàu container sụt giảm mạnh cả về cước vận tải và giá thuê tàu.
Một trong những doanh nghiệp vận tải biển lớn hiện nay là Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh trong quý II. Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt hơn 611 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 79,7 tỷ đồng, giảm 75%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Hải An ghi nhận doanh thu thuần 1,267 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 206 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 65% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của Hải An, nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh quý II năm nay giảm so với năm trước vì sản lượng, doanh thu hoạt động khai thác cảng giảm do vẫn trong thời gian nâng cấp sửa chữa mặt bãi.
Đồng thời, sản lượng hàng vận chuyển và giá cước biển giảm, giá cho thuê tàu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chi phí cho đội tàu tăng dẫn tới lợi nhuận hoạt động khai thác tàu giảm mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn ghi nhận lỗ kinh doanh từ công ty liên doanh Zim Hải An do công ty mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3.
Trong khi đó, Công ty CP Hàng hải Đông Đô trong quý II có kết quả kinh doanh riêng lỗ 25,6 đồng (chuyển từ lãi ở cùng kỳ năm trước sang lỗ ở kỳ này). So với cùng kỳ năm 2022, doanh thu quý 2/2023 giảm 58,5 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính quý II/2023, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ghi nhận doanh thu đạt 3.363 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 635 tỷ đồng, giảm 46% và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 367 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VIMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.213 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.120 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 46% so với nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 626 tỷ đồng.
Thị trường container sụt giảm mạnh
Theo đại diện Đông Đô, thị trường vận tải biển từ nửa cuối năm 2022 đến nay đã suy giảm trở lại. Giá cho thuê tàu và cước vận tải biển giảm nhanh. Dù doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm tiết giảm chi phí khai thác và chi phí quản lý kỹ thuật đội tàu, nhưng vẫn phải phân bổ chi phí để lên đà 2 tàu khiến giá vốn giảm.
Để ứng phó với tình hình khó khăn, doanh nghiệp này cho biết đang tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm phương thức khai thác tàu hiệu quả nhất để tiết giảm chi phí vận hành, chi phí quản lý. Đồng thời, tích cực tìm kiếm khách hàng, nguồn hàng tốt, uy tín trên thị trường để cải thiện giá cước, tăng hiệu quả khai thác.
“Anh cả đỏ” vận tải biển Vosco giải thích, trên thực tế, hãng đã tận dụng sự tăng trưởng của thị trường tàu dầu sản phẩm để ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho các tàu dầu. Với đặc thù quay vòng nhanh nên doanh thu của tàu dầu thường khá lớn. Ba tàu dầu hoạt động hiệu quả, đã góp phần cải thiện kết quả kinh doanh chung.
Tuy nhiên, thị trường tàu hàng khô và tàu container giảm sút mạnh so với cùng kỳ khiến kết quả kinh doanh của đội tàu khô và tàu container bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ số tàu hàng khô Baltic Dry Index (BDI) trong 6 tháng thường xuyên duy trì quanh mức 1.000 điểm và có thời điểm chỉ còn 530 điểm. Trong khi cùng kỳ 2022, BDI thường xuyên duy trì ở mức trên 2.000 điểm, có những thời điểm lên đến 3.300 điểm.
“Thị trường container sụt giảm mạnh dẫn đến việc nhiều tàu trước đây được cho thuê định hạn ra nước ngoài đã quay trở lại khai thác trên thị trường nội địa do không tiếp tục cho thuê dược, làm cung tàu tăng. Trong khi nhu cầu vận chuyển sụt giảm do nhu cầu tiêu dùng và sản xuất hàng hóa giảm mạnh, dẫn đến việc giá cước vận chuyển giảm sâu”, Vosco lý giải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận