Thị trường

Thị trường quà Tết ngập bánh kẹo “nhái”, giá bèo

23/01/2015, 10:02

Thoạt nhìn, mẫu mã, bao bì của những loại bánh kẹo này giống hệt những tên thương hiệu nổi tiếng.

41

Bánh kẹo La Phù đắt khách, tấp nập xe “ăn” hàng những ngày
cận Tết

Đổ đống, bán cân

Tại các chợ Đồng Xuân, Hàng Giầy, Hàng Buồm (Hà Nội)... hiện nay đang ngập tràn các loại bánh kẹo bán theo cân, giá rất rẻ, nhưng không có thời hạn sử dụng và không rõ địa chỉ sản xuất.

Chỉ tay vào gần 30 thùng bánh kẹo, chị Minh, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Buồm giới thiệu: “Toàn hàng công ty đấy, hàng chất lượng mà giá rất rẻ”. Theo lời giới thiệu, bánh kẹo ở đây có nhiều loại giá, phổ biến ở mức 50 - 100 nghìn đồng/kg là hàng sản xuất trong nước; còn các loại kẹo: Hàn Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ... giá 150 - 250 nghìn đồng/kg.

Cầm chiếc kẹo Ochoho mẫu mã y chang kẹo Choco Caramen của Hải Hà, chúng tôi thấy giá bán chỉ 50 nghìn đồng/kg, trong khi Hải Hà bán với giá 40 nghìn đồng/hộp 400g. Chiếc kẹo na ná này từ nét chữ in trên mẫu bao bì cũng mờ, nhòe hơn kẹo của Hải Hà. Dòng chữ in tên nơi sản xuất là Công ty Bánh kẹo Việt Long (xã Cát Phượng, Hoài Đức, Hà Nội) rất nhỏ lại nằm trong nếp gấp vỏ kẹo, ai không để ý sẽ không thấy.

"Khi phát hiện ra cơ sở sản xuất “nhái”, chủ thương hiệu phải có đơn gửi quản lý thị trường và các cơ quan chức năng khác. Sau khi có kết quả giám định đúng là hàng “nhái” của Cục Sở hữu trí tuệ thì cơ quan quản lý thị trường và công an sẽ vào cuộc, thu giữ, xử phạt và tiêu hủy”.

Ông Hoàng Vĩnh Hiền
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường
số 21, TP Hà Nội

Quan sát bánh kẹo đổ đống, bán cân tại chợ Đồng Xuân, PV Báo Giao thông nhận thấy, đây phần lớn sản phẩm của làng nghề La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và các sản phẩm đều có mẫu mã, tên gọi na ná các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng, như kẹo Appelene (na ná kẹo sữa béo Alpenliebe); bánh Gosy (bắt chước bánh Cosy); bánh Gaust (na ná bánh Gouté của hãng Orion)... Các loại bánh kẹo này chủ yếu được mua buôn về bán tại các chợ vành đai và các tuyến huyện.

Chị Bùi (đại lý chuyên đổ buôn ở Hà Nam) cho hay: “Bánh kẹo Trung Quốc giờ bị tẩy chay, bọn chị nhập toàn hàng Việt Nam như này về bán, mẫu mã đẹp mà quan trọng là giá rẻ. Ở nông thôn, khách hàng ít mua bánh kẹo xịn mà chỉ thấy hàng rẻ là mua”.

Theo lời giới thiệu của chủ cửa hàng bánh kẹo ở chợ Đồng Xuân, chúng tôi tìm đến xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tại đây, các xe tải chở bánh kẹo nườm nượp rời khỏi các xưởng sản xuất. Trong vai người đi nhập hàng về bán lẻ, chúng tôi được giới thiệu đủ loại bánh kẹo “nhái”.

Như tại xưởng Linh Anh, chúng tôi được giới thiệu bánh Danisa giá 218 nghìn đồng/thùng 16 hộp, trong khi loại bánh này trên thị trường giá gần 100 nghìn đồng/hộp; bánh Henry Luxury có giá 210 nghìn đồng/thùng 12 hộp, trong khi giá bánh này trên thị trường gần 200 nghìn đồng/hộp...

Na ná không phải là hàng giả?

Dù thực tế, các sản phẩm bánh kẹo “ăn theo” thương hiệu nổi tiếng đang tung hoành trên thị trường, nhưng theo một cán bộ quản lý thị trường, rất khó có thể khẳng định đây là hàng giả. Bởi các sản phẩm này đều có tên, địa chỉ nhà sản xuất, các mẫu mã sản phẩm tuy na ná các thương hiệu nổi tiếng nhưng vẫn có sự khác biệt, dù rất nhỏ, có khi chỉ là một chữ, một từ. Vì vậy, bản thân các DN bánh kẹo lớn cũng khó có cơ sở phản ứng, khởi kiện.

Ông Dư Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù khẳng định, tất cả các cơ sở sản xuất tại La Phù đều được cấp phép. Các sản phẩm tại làng nghề này đều có mã vạch, mã số và có địa chỉ cụ thể. Do đó, dù các sản phẩm tại làng nghề được sản xuất theo yêu cầu về giá cả của khách hàng, nhưng đều đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng nghi ngờ, vì sao các loại bánh kẹo rất rẻ này cứ phải “ăn theo” mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng? Phải chăng, ngoài thế mạnh giá rẻ, loại bánh kẹo này khó có thể chứng minh được chất lượng để có thể cạnh tranh?

Vũ Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.