Kinh tế

Thị trường vàng miếng tồn tại 2 loại giá

12/07/2024, 14:47

Một số chuyên gia cho rằng, giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân. Thực tế cho thấy thị trường vàng miếng SJC vẫn tồn tại 2 loại giá.

Muốn mua vàng miếng phải chịu giá đắt 

Hơn 1 tháng nay, giá bán vàng miếng SJC được niêm yết tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC neo ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Mức giá này hiện "đắt" hơn giá thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng. 

Dù giá vàng SJC được đánh giá là rất “phải chăng” nhưng không phải ai có nhu cầu cũng mua được.

Trong một diễn khác, khi tìm mua tại những điểm bán vàng của Nhà nước quá chật vật, một bộ phận khách hàng đã phải tìm mọi "cửa" như là các cửa hàng vàng tư nhân hoặc trên các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua 3 lượng vàng miếng, PV Báo Giao thông đã đăng nhập vào diễn đàn "Mua bán giao lưu vàng miếng SJC HN" có hơn 300.000 thành viên. Tại đây có hàng trăm tài khoản đăng thông tin mua bán vàng miếng với giá cao.

Phóng viên liên hệ với một tài khoản tên "Hưng Dionysus", người này giới thiệu tên Trang có địa chỉ tại 22 Hồ Giám (quận Đống Đa, Hà Nội). Chị Trang cho biết, có thể cung cấp số lượng vàng miếng lớn, hiện tại giá bán ra ở mức 80,2 triệu đồng/lượng.

Khi được hỏi về hóa đơn mua bán vàng, người này thừa nhận việc giao dịch vàng chỉ thông qua mua bán trao tay. "Nếu cần hóa đơn, bên em sẽ mua lại của các bạn đã mua vàng bằng hình thức xếp hàng hoặc giao dịch trực tiếp tại ngân hàng", người này cho biết.

Thị trường vàng miếng tồn tại 2 loại giá- Ảnh 1.

Thị trường vàng miếng SJC đang tồn tại tình trạng "hai giá", trong đó chênh lệch giữa giá "bình ổn" với giá "chợ đen" trên 4 triệu đồng/lượng.

Không chỉ trên "kênh phân phối" online, hoạt động mua - bán vàng miếng vẫn âm thầm diễn ra "offline" tại nhiều cửa hàng vàng bạc ở Hà Nội. 

Như tại cửa hàng Việt Quang, 49 Hà Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, PV trong vai khách hàng tìm tới thì được một phụ nữ đứng quầy nói: "Nhà nước đang bình ổn giá vàng miếng, người dân thì chỉ muốn mua tích trữ chứ không bán nên có rất ít vàng miếng trôi nổi ra thị trường, chúng tôi cũng không mua - bán loại vàng này".

Tuy nhiên, khi PV ngỏ ý có nhu cầu bán khoảng 5 lượng vàng miếng, chủ cửa hàng này hạ giọng cho biết: Nếu số lượng ít, chỉ thu mua giá 79 triệu đồng/lượng, nếu bán số lượng lớn hơn thì giá 79,5 triệu đồng.

Bán vàng bình ổn: không nên kéo dài?

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua 4 ngân hàng thương mại để bán vàng cho người dân, giá vàng được các đơn vị này niêm yết chỉ còn "đắt" hơn giá thế giới 4-5 triệu đồng/lượng. 

Song NHNN cũng cảnh báo, tại nhiều điểm bán vàng, có tình trạng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. NHNN đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường.

Đồng thời, cơ quan này cũng cho biết sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng. PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định, biện pháp này bước đầu có hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, ông Long cũng xác nhận thị trường vàng miếng SJC vẫn tồn tại hai loại giá là giá của Nhà nước và giá “chợ đen” - sản phẩm giao dịch tự do như Báo Giao thông phản ánh. Giá vàng “chợ đen” chênh lệch so với các đơn vị thực hiện bình ổn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng một số người xếp hàng mua gom vàng để hưởng chênh lệch.

Ông Long cho rằng nhập khẩu vàng chính ngạch sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhưng là một giải pháp tình thế trong ngắn hạn, không phải là giải pháp ổn định thị trường trong lâu dài. Thực tế, việc nhập khẩu vàng và bán cho người dân có thể khiến cho lượng vàng nằm bất động trong dân, không chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.

“Trong điều kiện của chúng ta, nếu tiếp tục tung vàng ra bán bước đầu có thể là bình ổn theo mục tiêu của Chính phủ nhưng dễ tồn tại nguy cơ dẫn đến vàng hóa thị trường", PGS.TS Long nhận định.

Cùng quan điểm, PGS.TS Võ Thị Vân Khánh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc giá chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giữa vàng SJC với các vàng thương hiệu khác cho thấy sự tắc nghẽn trong liên thông thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự thiếu minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trong nước.

Theo bà Khánh, cơ quan chức năng cần khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

"Giải pháp trên của NHNN chưa giải quyết được nhu cầu mua vàng thực chất của người dân. Nhiều người dân có nhu cầu nhưng không thể mua vàng. Nếu áp dụng biện pháp này để bình ổn thị trường bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng tỷ giá và lạm phát. 

Do vậy, cần quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định...”, bà Khánh nêu ý kiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.