Thời sự Quốc tế

Thị trường vật tư chống dịch Covid-19 hỗn loạn vì quyết định của Trung Quốc

06/04/2020, 06:35

Trung Quốc bất ngờ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm y tế liên quan tới hoạt động chống dịch Covid-19 làm dấy lên những phản ứng trái chiều.

img
Nhà máy của Trung Quốc đang sản xuất khoảng 160 triệu khẩu trang/ngày

Trong lúc cuộc chiến Covid-19 của nhân loại đang căng thẳng, sôi sục trên toàn cầu, cuối tuần qua, Trung Quốc bất ngờ ra quy định hạn chế xuất khẩu các sản phẩm y tế liên quan tới hoạt động chống dịch virus Corona chủng mới. Động thái này khiến toàn ngành kinh doanh rơi vào hỗn loạn và làm dấy lên những phản ứng trái chiều.

Siết chặt kiểm soát chất lượng

Theo quyết định mới của Bắc Kinh, chỉ có những nhà sản xuất được Trung Quốc cấp phép bán sản phẩm thiết bị y tế mới được phép xuất khẩu các bộ thử nghiệm, khẩu trang phẫu thuật, đồ bảo hộ, máy thở, máy đo thân nhiệt hồng ngoại bất chấp việc họ đã sở hữu giấy phép đảm bảo chất lượng để bán tại châu Âu hay Mỹ.

Cụ thể, trước đây, khi dịch Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã cấp 23 giấy phép đặc biệt cho các nhà sản xuất bộ xét nghiệm nhanh tại địa phương để sản xuất và bán nội địa. Theo quy định mới, chỉ những công ty được cấp phép này mới có thể bán sản phẩm ra nước ngoài còn những công ty có giấy phép của châu Âu hoặc Mỹ mà không có giấy phép ở Trung Quốc thì không thể xuất khẩu.

Quy định này được Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh một số sản phẩm y tế của Trung Quốc bị nhiều nước phương Tây phàn nàn về chất lượng. Trong đó, Tây Ban Nha thẳng thừng từ chối nhận một lô hàng bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 do Công ty Công nghệ Sinh học Bioeasy Thâm Quyến sản xuất vì cho rằng số thiết bị này không đáng tin cậy.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lớn nhất thế giới. Hiện nay, Bắc Kinh đã kiểm soát được tình hình lây lan dịch Covid-19 ở trong nước nên có khả năng xuất khẩu các thiết bị phục vụ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên thế giới.

Tính đến cuối tuần qua, đã có 1,2 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm virus này và tổng số người thiệt mạng gần chạm mốc 65 nghìn người.

Theo ông Lee Yuen Chak, Giám đốc công ty AEM Enterprises của Hong Kong đang cung cấp thiết bị y tế cho các quốc gia tại châu Phi, các đối tác kinh doanh trên thế giới cần hiểu rằng, chính phủ Bắc Kinh đang rất nghiêm túc về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng.

“Tại thời điểm cam go, khi tất cả các quốc gia trên thế giới nhìn vào hoạt động cung cấp thiết bị y tế cần thiết của Trung Quốc, chính phủ Bắc Kinh muốn đảm bảo với các đối tác rằng họ không tiếp cận thị trường với thái độ dễ dãi. Trung Quốc hiểu vai trò và trách nhiệm của mình hiện nay trong đấu tranh chống Covid-19 trên toàn thế giới nên họ phải làm với tinh thần trách nhiệm và minh bạch cao. Quy định vừa được công bố chính là bằng chứng cho thấy họ đang tăng cường khả năng cho nghĩa vụ đó”, ông Lee nhận định.

“Đồng thời qua quyết định này, Bắc Kinh cũng muốn thể hiện rằng, chỉ Trung Quốc có đủ khả năng và tốc độ để cung cấp số lượng lớn thiết bị y tế mà phần còn lại của thế giới yêu cầu”, ông Lee nói thêm và thông tin, AEM Enterprises từng tiếp cận các nguồn sản phẩm tương tự ở Hàn Quốc nhưng khả năng xuất khẩu của nước này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và giá cao hơn.

Gián đoạn tạm thời cuộc chiến chống Covid-19

Chủ một công ty tại Quảng Đông sản xuất đồ bảo hộ giấu tên cho hay, để làm thủ tục xin giấy phép bán sản phẩm tại Trung Quốc phải mất từ 3 - 6 tháng. Do đó, để lấy được giấy phép thì công ty này không thể kịp thời cung cấp các sản phẩm thiết yếu tới những thị trường đang “khát” đồ bảo hộ trong cuộc chiến khốc liệt với Covid-19.
“Chúng tôi rất tiếc vì không thể bán đồ bảo hộ cho những khách hàng đang ngày đêm chạy đua cứu mạng sống cho các bệnh nhân. Trong khi, nếu chính phủ mở cửa, đây còn là cơ hội tốt để tuyển dụng nhân công giữa bối cảnh toàn ngành kinh tế Trung Quốc đang suy yếu”, ông nói.


Tuy nhiên, với thị trường sản xuất thiết bị y tế tại Trung Quốc cũng như các đối tác trên thế giới, quyết định này lại khiến họ choáng váng. Bởi họ đang rốt ráo lắp đặt dây chuyền và sản xuất với tốc độ cao để cung ứng cho thị trường nước ngoài.

Theo số liệu trong ngành, hơn 15.500 công ty đã lắp đặt dây chuyền sản xuất khẩu trang để phản ứng kịp thời trước dịch Covid-19, đưa năng suất thường nhật của Trung Quốc lên 160 triệu chiếc/ngày.

Các công ty xuất khẩu thiết bị y tế chỉ trích phán quyết của Trung Quốc là vô lý và lập tức kháng cáo. Còn các đối tác ở nước ngoài vội vàng chạy đua tìm nguồn dự trữ hàng cần thiết từ các nhà cung cấp Trung Quốc hợp pháp.

Nhiều tổ chức thương mại đại diện cho các nhà sản xuất thiết bị y tế ở tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô đã làm đơn kiến nghị gửi tới chính phủ và các cơ quan hải quan để xin cấp phép vận chuyển hàng hoá y tế, phần nào cải thiện tình hình suy thoái kinh tế tại quê nhà.

Quản lý một công ty tại Giang Tô chuyên sản xuất các bộ xét nghiệm nhanh virus Covid-19 cho rằng, những rào cản xuất khẩu mới mà chính phủ đưa ra sẽ khiến ngành kinh doanh này thiệt hại hơn 500 triệu nhân dân tệ (tương đương 70,3 triệu USD). “Động thái của chính phủ đang làm cản trở gần như toàn bộ ngành sản xuất thiết bị y tế chỉ vì một vài công ty là không hợp lý”, ông nói.

“Chúng tôi ủng hộ chính phủ thắt chặt quản lý chất lượng nhưng vẫn có nhiều cách khác để thực hiện, không nhất thiết là phải hạn chế như vậy. Chất lượng của nhiều nhà sản xuất chưa có giấy phép kinh doanh nội địa rất tốt. Chúng tôi đã được quyền bán sang EU và Mỹ”, một vị Giám đốc giấu tên vì tính nhạy cảm của sự kiện chia sẻ.

Ông Alex Capri, nghiên cứu sinh tại Khoa Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore cho biết, việc thiếu hụt khẩu trang và các sản phẩm y tế khác sẽ khiến các công ty dịch chuyển những ngành công nghiệp quan trọng để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.