Bến cóc tại TP HCM (ảnh minh họa) |
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng tại khu vực TP HCM, mỗi ngày có hơn 10 nghìn hành khách đi lại trên những chiếc xe dù. Điều đó đồng nghĩa với việc Nhà nước thất thu một số tiền lớn từ thuế GTGT vì khách không vào bến.
Mặt khác, các phương tiện chạy “dù” cũng không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, không đóng phí bến bãi, không bảo hiểm cho hành khách…
Như vậy, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ chịu nhiều thua thiệt khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, thanh toán các khoản phí, và phải chịu áp lực bởi sự cạnh trạnh không lành mạnh của các xe dù. Đã có trường hợp, doanh nghiệp vận tải chân chính vào bến xe hoạt động, nhưng không cạnh tranh nổi với xe dù, đành bỏ bến ra ngoài hoạt động như xe dù… Xe dù, bến cóc cũng phá vỡ trật tự đô thị, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, phát sinh tệ nạn, phá vỡ các quy hoạch về bến bãi vận tải hành khách trên địa bàn TP HCM.
Quá bức xúc với thực trạng xe dù, bến cóc đã và đang hoành hành tại địa bàn TP HCM, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông Thượng Thanh Hải nói: “Cách đây hơn 10 năm, tình trạng xe dù, bến cóc đã từng bị dẹp bỏ; tuy nhiên sau đó lại bung nở, mọc lên như nấm, vi phạm tràn lan, khiến cho nhiều doanh nghiệp, bến bãi làm ăn chân chính “đau đầu” bởi gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí có trường hợp bên bờ vực phá sản”. Điều đáng lo ngại hơn là xe dù, bến cóc hoạt động ngay bên cạnh các bến xe hay ngang nhiên biến một số khu vực trong thành phố thành điểm đón trả khách. Theo nhận định của ông Hải, rõ ràng có việc buông lỏng, “nới tay” từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật, nếu không nói là bao che, bảo kê.
Quyết tâm của lãnh đạo TP HCM là dẹp tận gốc nạn xe dù, bến cóc trong năm 2015. Dẹp được vấn nạn này, TP HCM sẽ xây dựng được thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ luật pháp và phát triển bền vững. Nhà nước, doanh nghiệp làm ăn chân chính có lợi nhưng trên hết là đảm bảo quyền lợi và an toàn tính mạng, tài sản cho hành khách...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận