"Tàu mẹ" vật vờ nhiều ngày chờ ngoài cửa biển chờ xuất hàng
Doanh nghiệp lo nguy cơ phá sản
Tại bài viết: “Doanh nghiệp thiệt hại triệu USD sau công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan” (đăng tải trên Báo Giao thông ngày 2/1) đã phản ánh: Ngày 22/12/2019, Tổng cục Hải quan ban hành công văn hỏa tốc số 8019, quy định: "Mặt hàng xuất khẩu đá vôi, đá chứa canxi (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng), đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 thì thuộc nhóm 25.21" với lý do thời gian qua xảy ra tình trạng nhập nhằng trong hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng...
Xuất phát từ công văn “hỏa tốc” này, hàng chục tàu hàng xuất khẩu đá xây dựng đang hoạt động bình thường tại các cảng biển phải ngừng lại.
Riêng đối với cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh), đã có 14 tàu biển của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện đang ùn tắc gồm những tàu đang làm hàng bị dừng lại, đã làm xong hàng nhưng không được thông quan, đã và đang vào cảng theo hợp đồng ký kết từ trước nhưng không thể nhập, xuất hàng. 14 tàu này có tổng trọng tải trên 567 nghìn tấn, theo tính toán với tổng trọng tải này các doanh nghiệp thiệt hại khoảng 150.000 USD/ngày vì phí phát sinh do không thể thông quan.
Con số thiệt hại đang tăng lên từng ngày khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản.
Các doanh nghiệp thiệt hại hàng triệu USD vì tàu, sà lan ùn ứ tại cảng
Doanh nghiệp tính đường khởi kiện
Khi các doanh nghiệp lao đao bởi công văn “hỏa tốc” của Tổng cục Hải quan thì ngày 31/12/2020, Tổng cục Hải quan ra Thông cáo báo chí về vụ việc. Theo đó, sau khi viện dẫn nhiều quy định, ý kiến của các cơ quan chuyên môn với nhiều số liệu rất… khá khó hiểu, Tổng cục Hải quan kết luận: "Trên cơ sở kết quả giám định ngày 25/12/2020 của Chi nhánh công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC tại Hải Phòng, thông báo kết quả phân tích các mẫu hàng thuộc 02 tờ khai trên là Đá có nguồn gốc từ đá vôi có thành phần Canxi Cacbonat (CaC03) trên 85% và Magie cacbonat (MgC03) dưới 7%, mã số 2521.00.00 (thuế suất thuế xuất khẩu 17%)".
Trước thông báo này của Tổng cục Hải quan, đại diện các doanh nghiệp băn khoăn phản ánh: ”Từ trước tới nay, doanh nghiệp xuất khẩu đá xây dựng thực hiện theo Thông tư 05 của Bộ Xây dựng. Tới nay, Tổng cục Hải quan cho rằng mức áp thuế như vậy chưa đúng thì cơ quan chức năng có thể truy thu thuế, thực hiện các biện pháp áp thuế mới chứ không thể dừng mọi hoạt động thông quan xuất khẩu gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mất uy tín của Việt Nam với đối tác nước ngoài bằng một công văn hỏa tốc như vậy”.
Đại diện 1 doanh nghiệp có tàu hàng bị ùn ứ tại cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh) than: "Chưa bàn tới việc Tổng cục Hải quan ra văn bản quy định mã thuế đó đúng hay chưa? Tuy nhiên, việc ban hành một văn bản phải có lộ trình, không gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp".
"Trong thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh Covid – 19, cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi đã lao đao lắm rồi. Khó khăn lắm mới tìm được đơn hàng, cạnh tranh với nhiều đối thủ ở các nước khác. Tới nay, đơn hàng thực hiện thì hàng lại bị ùn ứ tại cảng chỉ bởi công văn của Tổng cục Hải quan. Đã gần nửa tháng trôi qua, các doanh nghiệp thiệt hại mỗi ngày, bạn hàng, đối tác đang muốn phạt doanh nghiệp Việt Nam và cho biết sẽ tìm đối tác nước khác vì cho rằng làm ăn với đối tác Việt Nam tiềm ẩn rủi ro", đại diện này chia sẻ.
Ông Harish Taparia (Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị) từng nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Thương mại tự do Ấn Độ - Việt Nam cho hay, Việt Nam luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đối với hoạt động thông thương giữa 2 nước. Tuy nhiên, khi tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu đá xây dựng, lần này doanh nghiệp của chúng tôi lao đao vì văn bản 8019 của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
"Văn bản này bất ngờ, không thông báo trước gây thiệt hại cho doanh nghiệp là một điều khó chấp nhận. Từ trước tới nay, chúng tôi vẫn thực hiện theo Thông tư số 05/2019 của Bộ Xây dựng. Nay Tổng cục Hải quan dùng một công văn hỏa tốc đưa ra ý chí chủ quan của họ khi chưa tham chiếu đầy đủ mọi văn bản pháp luật khác, và cũng không có lộ trình là gây thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Harish Taparia.
Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu đá cho biết, khi những cầu cứu giải phóng hàng tồn đọng tại các cửa khẩu không được đáp ứng, các doanh nghiệp sẽ bảo vệ mình bằng cách khởi kiện về thiệt hại đối với những thiệt hại của họ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết: “Chưa bàn việc Tổng cục Hải quan ban hành văn bản như vậy có đúng thẩm quyền hay không, chỉ nhìn vào việc văn bản này "hỏa tốc" ra đời khiến nhiều doanh nghiệp ngay lập tức phải dừng xuất khẩu thì cần phải xem xét lại. Những chi phí về bến bãi, thuê tàu, neo đậu khi không được xuất khẩu chắc chắn doanh nghiệp trong nước phải gánh chịu.
"Tổng cục Hải quan cần phải cho doanh nghiệp thời gian chuẩn bị và thích ứng với những nội dung trong văn bản. Bộ Tài chính nên vào cuộc kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của văn bản "hỏa tốc" mà Tổng cục Hải quan vừa ban hành. Nên có một hành động tháo gỡ "nút thắt" để cho doanh nghiệp đỡ bị thiệt hại về tài chính. Như vậy mới đúng tinh thần kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân mà ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ khóa 2016- 2020 và cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm xây dựng", ông Hòa nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận