Hạ tầng

Thiết lập hàng loạt “cảnh báo đặc biệt” chống hầm chui ngập nước

04/05/2018, 16:22

Đà Nẵng vừa vận hành hầm chui tiền tỷ để bơm nước ở hầm chui Nguyễn Tri Phương-Điện Biên Phủ.

31821577_10209433275107266_597861904324493312_n

Đà Nẵng vừa vận hành hệ thống máy bơm ngăn hầm chui Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương ngập nước

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Giám đốc Ban QLDA đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng Lương Thạch Vỹ cho biết: Ngoài vận hành trạm bơm, các cảnh báo đặc biệt được thiết lập để ngăn sự cố hầm chui ngập nước…

Sự cố đọng nước cục bộ hầm chui Nguyễn Tri Phương-Điện Biên Phủ rạng sáng 30/4 do nguyên nhân gì, thưa ông?

Ông Lương Thạch Vỹ: Khi đưa công trình vào vận hành khai thác, hầm chui mới chỉ vận hành hệ thống bơm tạm và Nhà thầu đang thi công lắp đặt lại hệ thống bơm chính thức (thiết bị bơm nhập khẩu từ châu Âu) để thay thế. Bắt đầu từ ngày 24/4 đến ngày 30/4/2018, công tác lắp đặt vẫn đang được triển khai. Mặc dù, nhà thầu đã cử người trực bơm, tuy nhiên trận mưa lớn xuất hiện bất ngờ vào lúc nửa đêm (khoảng 1 giờ sáng 30/4) nên không phát hiện kịp thời dẫn đến hiện tượng ngập nước trong hầm.

Ngay sau đó, nhà thầu đã vận hành trạm bơm hạ mực nước. Đến khoảng 5h50 thì giao thông trong hầm mới hoạt động trở lại bình thường.

Tại sao, sử dụng máy bơm thoát nước là giải pháp được lựa chọn ở hầm chui này, mà không tính đến các giải pháp kỹ thuật khác?

Ông Lương Thạch Vỹ: Với điều kiện địa hình như khu vực hầm chui, cao độ mặt đường trong hầm tại vị trí thấp nhất là -1,72m, cao độ mực nước thường trực tại hồ công viên 29/3 là 2,89m, cao độ đáy cống thoát nước đường Lê Độ là 1,61m nên để thoát nước trong phạm vi hầm chỉ có thể sử dụng hệ thống cưỡng bức bằng bơm.

Phương án thoát nước này được Tư vấn thiết kế nghiên cứu, tính toán cụ thể và được cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

IMG_3501

Sự cố tái diễn ngập nước hầm chui sáng 30/4 do lỗi nhà thầu đang lắp đặt hệ thống bơm nhập khẩu.

Hệ thống bơm nhập ngoại này có khắc phục ổn định sự cố hầm chui ngập nước?

Ông Lương Thạch Vỹ: Hệ thống trạm bơm được đầu tư nhằm giải quyết thu nước mặt, không giải quyết nước ngầm. Công suất trạm bơm Q=1325m3/h được thiết kế đáp ứng với tần suất ngập 1%, vận hành tự động với chi phí đầu tư các máy bơm là 2,1 tỷ đồng.

Khi hệ thống bơm hoạt động ổn định, bình thường thì không có tình trạng nước dâng lên mặt đường trong hầm.

Thực tế liên tiếp các vụ ngập nước thời gian qua dấy lên lo ngại về hệ thống điện, máy bơm trong hầm chui không đảm bảo an toàn lưu thông… Ban có các giải pháp phòng ngừa gì khác, thưa ông?

Ông Lương Thạch Vỹ: Ban QLDA đã phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát các sự cố khách quan có thể xảy ra nhằm khắc phục kịp thời, hạn chế thấp nhận việc ngập nước trong hầm. Các cảnh báo độc lập với hoạt động của trạm bơm được thiết lập như: cảnh báo mất tín hiệu truyền về tủ điều khiển, cảnh báo mất điện nguồn, phát hiện lỗi BLC; cảnh báo bơm không hoạt động, cảnh báo mức nước nguy hiểm cần đóng hầm và tổ chức lại giao thông...

Cảm ơn ông!

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, công trình vẫn còn đang hoàn thiện một số hạng mục nên Ban QLDA chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao. Sau khi Ban QLDA có báo cáo hoàn thành công trình, Sở GTVT sẽ phối hợp với các Sở chuyên ngành (Sở Xây dựng, Sở Công Thương) và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các hạng mục công trình theo quy định trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đúng quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.