Hiện trường vụ tai nạn đường sắt khiến cụ ông mất trí nhớ 91 tuổi thiệt mạng và gia đình ông đang đứng trước nguy cơ bồi thường lên đến gần 630 nghìn USD |
Tháng trước, Tòa án tối cao Nhật Bản cho biết, sẽ xem lại phán quyết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của gia đình cụ ông (91 tuổi) bị mất trí nhớ cho một công ty đường sắt, sau vụ tai nạn đường sắt 8 năm về trước.
Nhiều tai nạn liên quan người già mất trí nhớ
Tối 7/12/2007, cụ ông 91 tuổi ra khỏi nhà trong khi cụ bà đang ngủ gà gật trên ghế sofa chỉ khoảng 6 - 7 phút. Một tiếng sau, cảnh sát gọi điện cho gia đình (nhờ số điện thoại được khâu gắn vào quần áo và mũ của ông cụ) và cho biết, ông đã thiệt mạng bởi một tàu hỏa tuyến JR Tokaido Line đâm phải ở Obu, Aichi Prefecture.
Một năm sau đó, người con trai cả của cụ ông bị thiệt mạng nói trên nhận được thư từ Công ty đường sắt Trung ương Nhật Bản với nội dung: “Chúng tôi yêu cầu người nhà nạn nhân phải bồi thường thiệt hại vật chất cũng như những thiệt hại khác liên quan do tàu chậm chuyến bởi vụ tai nạn gây ra càng sớm càng tốt”. Công ty đưa ra mức thiệt hại lên tới 7,2 triệu Yên (gần 630 nghìn USD) cho vụ tai nạn nói trên. Nội dung bức thư cũng cho biết, công ty sẽ kiện nếu gia đình nạn nhân không bồi thường số tiền trên trong thời hạn 14 ngày.
Theo nguồn tin cung cấp, cụ ông nói trên đã bắt đầu lang thang một mình từ tháng 8/2005 và được cấp chứng nhận chăm sóc điều dưỡng mức độ 4 vào tháng 2/2007. Cuộc sống hàng ngày của cụ ông là rất khó khăn nếu như không có người chăm sóc. Người nhà của cụ ông đã cân nhắc để đưa cụ đến một cơ sở điều dưỡng. Tuy nhiên trước đó, khi nhập viện vì một chấn thương, do không quen với môi trường xung quanh nên cụ ông đã tự bỏ ống truyền máu khỏi tay mình. Vì thế, gia đình đã quyết định chăm sóc ông tại nhà để các con có thể thay phiên nhau hỗ trợ.
Trong năm 2014, đã xảy ra 29 vụ tai nạn đường sắt liên quan đến người già mất trí nhớ. Cùng năm đó, 181 vụ tai nạn ô tô gây tử vong liên quan đến người mất trí nhớ. Vấn đề bồi thường trong các trường hợp này đều gặp một số khó khăn nhất định. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ước tính, con số người già bị mất trí nhớ sẽ tăng từ 5,2 triệu người hiện nay đến 7 triệu người vào năm 2025.
Thiệt mạng rồi, còn phải chịu bồi thường
Luật Dân sự Nhật Bản quy định, khi tai nạn do người không thể chịu trách nhiệm gây ra như: một người già mất trí nhớ hoặc trẻ con thì người chịu trách nhiệm cho người già hoặc trẻ em đó sẽ phải bồi thường thiệt hại. Do vậy, Tòa án quận Nagoya cho biết, vợ của cụ ông và con trai cả sẽ là những người phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng theo luật này, người chịu trách nhiệm chăm sóc nạn nhân sẽ không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp họ chứng minh được là không có lỗi. Dù vậy, đối với những tai nạn xảy ra do người mất trí nhớ thì việc xác định ai là người chịu trách nhiệm bồi thường vẫn chưa rõ ràng.
Giáo sư Đại học Tokyo, ông Shigeto Yonemura đồng thời cũng là một chuyên gia về luật dân sự cho biết: “Nếu thi hành một cách mạnh mẽ thì căng thẳng đối với các gia đình trở nên quá lớn. Tuy nhiên, nếu miễn trừ trách nhiệm cho các đối tượng mất trí nhớ thì sẽ gây khó khăn cho các chủ phương tiện. Do vậy, quyết định của Tòa án tối cao cần được thảo luận sâu hơn”.
Tháng 2 vừa qua, Tòa án tối cao đã tổ chức thảo luận về phán quyết đối với trường hợp cụ ông thiệt mạng trong vụ tai nạn đường sắt nói trên. Điều này cho thấy khả năng cao phán quyết sẽ được xem xét lại. “Tôi hi vọng rằng, tòa án sẽ đưa ra những vấn đề thực tế mà những người mất trí nhớ cũng như gia đình của họ phải chịu đựng trước khi đưa ra quyết định”, con trai cả của cụ ông trong vụ tai nạn đường sắt bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận