Xe buýt điện của VinGroup chạy thử nghiệm
VinGroup đề xuất đầu tư phương tiện, cơ sở hạ tầng và tổ chức vận hành 10 tuyến xe buýt điện tại Hà Nội. Các tuyến buýt này có điểm đầu, điểm cuối tại các khu đô thị mới đông dân cư, nhu cầu sử dụng cao và sẽ thực hiện theo phương thức đặt hàng.
150 xe điện cao cấp sắp lăn bánh
Tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), dự kiến từ quý II/2021, thành phố sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện.
Cụ thể gồm: Tuyến Long Biên - Trần Phú - Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City; Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ Hà Nội - Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên; Khu đô thị Ocean Park - Sân bay Nội Bài.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup cho biết, Tập đoàn Vingroup - Công ty CP VinBus đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe điện và cam kết đầu tư 150-200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại.
“Hiện chúng tôi đang làm việc với Cục Đăng kiểm VN để bảo đảm các xe buýt điện đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Quang nói và cho hay: Bên cạnh việc sản xuất xe buýt điện, VinBus đã tuyển dụng đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất... để có thể vận hành ngay khi được cơ quan quản lý chấp thuận.
Đáng lưu ý, theo ông Quang, khi tổ chức vận hành 10 tuyến buýt điện, tổng mức giảm phát thải khí CO2 ra môi trường so với xe chạy bằng dầu khoảng 4,55 triệu m3/năm.
“Chúng tôi cam kết đầu tư phương tiện xe mới sử dụng động cơ điện 100%, áp dụng công nghệ tiên tiến để quản lý điều hành hệ thống, cung cấp dịch vụ tốt nhất để thu hút người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, ông Quang khẳng định.
Hấp dẫn nhưng thiếu cơ chế
Để đảm bảo năng lực quản lý, vận hành hệ thống vận tải, Tập đoàn VinGroup đã thành lập Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus với hoạt động chủ đạo vận tải hành khách công cộng bằng ô tô. DN này đã được Sở GTVT TP Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở đang cùng TCT Vận tải Hà Nội nghiên cứu, khảo sát kết cấu hạ tầng giao thông, đánh giá nhu cầu đi lại của người dân theo vùng phục vụ các tuyến xe buýt chạy bằng điện và về độ trùng lặp với các tuyến buýt khác.
“Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, xe buýt điện chưa hoạt động, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Long nói.
Theo ông Long, để xe buýt điện chạy trên đường cần được đăng kiểm, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật, cấp biển số quản lý. Tất cả ô tô điện hoạt động lâu nay là loại xe du lịch cỡ nhỏ và chỉ được cấp đăng kiểm, biển số theo dạng thí điểm chạy trong khu du lịch, đô thị, bãi biển, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia giao thông trên đường, chở khách thương mại. Việc này đang được Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ.
Liên quan đến tháo gỡ vướng mắc để kịp thời đưa 10 tuyến buýt đi vào hoạt động, ông Long khẳng định, mới đây, Hà Nội đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội tạm thời áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với xe buýt CNG (xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch là khí thiên nhiên nén) đang hoạt động trên địa bàn để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn VinGroup.
UBND Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đặt hàng tạm thời theo đơn giá tạm tính; khi có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chính thức được phê duyệt sẽ điều chỉnh cho phù hợp và tiến hành công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định.
Theo Bộ GTVT, do xe buýt điện mới đưa vào hoạt động lần đầu tại Việt Nam nên chưa có định mức, đơn giá, Bộ GTVT đề nghị TP Hà Nội và TP HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng tạm thời khi đưa loại phương tiện này tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Bày tỏ ủng hộ xe buýt điện với các tiện ích mang lại, đặc biệt là không gây tiếng ồn và khói bụi, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: “Bộ GTVT đã nhận được đề xuất cho ý kiến, hướng dẫn về hoạt động xe buýt điện của một số địa phương. Để Bộ GTVT có thể cho ý kiến, hướng dẫn triển khai cần có chỉ đạo của Chính phủ”.
Hiện TP Hà Nội có 104 tuyến buýt có trợ giá, trong đó có 97 tuyến xe hoạt động bằng nhiên liệu dầu (93%), 7 tuyến xe chạy bằng khí nén CNG (7%). Ngoài ra, thành phố còn có 8 tuyến buýt kế cận các tỉnh không trợ giá.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, đến hết năm 2020, mạng lưới xe buýt ở Hà Nội đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Để tăng tỷ lệ này, thành phố sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc; nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận