Bộ Công thương vừa có báo cáo đánh giá, tổng kết về việc thực hiện, đồng thời kiến nghị trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội về việc xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - BVQLNTD
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp...
Theo đó, Bộ này cho biết, trong 10 năm qua, luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung Luật BVQLNTD hiện hành phù hợp với thực tiễn và bối cảnh mới.
Đó là, về các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng (NTD).
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10/2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023.
Vấn đề giao kết hợp đồng, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và bên kinh doanh; Hay cơ chế tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của cơ quan nhà nước;…
Đáng chú ý, một điểm hạn chế, bất cập cũng được nhiều chuyên gia đề cập đến đó là việc thiếu cơ chế huy động toàn xã hội BVQLNTD.
Lần sửa này, Bộ Công thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng xây dựng và sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, Dự thảo theo hướng đưa ra được các quy định cân bằng lợi ích giữa các bên, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Ông nhấn mạnh, một cơ quan không thể bảo vệ được hết các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của NTD, nên cần có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành cũng như toàn xã hội.
Do đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung cũng sẽ đưa ra quy định khung phù hợp với các pháp luật chuyên ngành khác, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong phạm vi, chức năng, quyền hạn đều phải BVQLNTD.
Thông tin chi tiết hơn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, Dự thảo sẽ bổ sung nhiều nội dung lớn của luật hiện hành như: Hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; hợp đồng bán hàng đa cấp; nghĩa vụ của đơn vị có giao dịch bán hàng từ xa (sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng trên mạng…); quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng...
Góp ý vào việc sửa đổi, bà Tạ Diệu Thương, Ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, nên xây dựng các quy định tập trung vào các vấn đề BVQLNTD mà trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác vẫn chưa đề cập tới. Như vậy, sẽ tránh được trùng lặp, chồng chéo.
“BVQLNTD cần phải có các quy định đảm bảo cân bằng được quyền lợi giữa các nhóm liên quan khác nhau trong xã hội”, bà Thương nói.
Còn ông Vũ Tú Thành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN góp ý, ban soạn thảo Luật BVQLNTD cần có tham vấn để đưa ra các quy định có thống nhất, tránh chồng chéo, làm rõ được thẩm quyền xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân NTD...
Ông Thành nói: "Luật BVQLNTD nên quy định khung để các văn bản pháp luật chuyên ngành có thể cụ thể hóa trong thực tiễn, phù hợp với tình hình và đặc thù của từng lĩnh vực, ngành".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận